Triển vọng tươi sáng: Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước tăng trưởng hàng đầu

Trang Nguyễn

Trong tháng 4, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức do chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ nhưng các tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực.

Kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực
Kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực

Việt Nam ứng phó kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đã chủ động, sớm tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt, hiệu quả ở tất cả các cấp, tất cả các kênh với phía Mỹ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 11 cuộc họp về phương án đàm phán.

Đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu đàm phán các vấn đề liên quan đến Thuế đối ứng với phía Mỹ. Nhờ đó, đã khơi dậy niềm tin, sự phấn khởi của đông đảo người dân, doanh nghiệp đối với những quyết sách kinh tế. Chính vì vậy, kinh tế trong nước không có quá nhiều biến động tiêu cực, vẫn giữ được mức tăng trưởng kỳ vọng.

Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được ban hành

Trong tháng 4, Hội nghị Trung ương 11 đã quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, mở ra không gian phát triển mới. Trong đó,  một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế.

Ngay trong đầu tháng 4, trên 15 Công điện, Chỉ thị về triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 98 Nghị định, 132 Nghị quyết, 914 Quyết định và 13 Chỉ thị, 54 Công điện.

Ngoài họp với các bộ, ngành, tổ chức kinh tế, hiệp hội nghề nghiệp để trao đổi các quyết sách liên quan tới thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Nhiều quyết định quan trọng đã được ban hành như: Quyết tâm khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025; phê duyệt Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh…

Đồng thời, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình với tổng quy mô khoảng 445 nghìn tỷ đồng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, hoạt động được triển khai như: Lễ diễu binh, diễu hành... tạo không khí phấn khởi, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân.

Kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực

Bốn tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 270,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 14,9%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và tăng 24,5%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 275,18 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu tăng 12,8%; nhập khẩu tăng 17,3%30. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 5,02 tỷ USD.

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng  tháng 4 là 10.854 người. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 người.

Công tác an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Trong đó, đã hỗ trợ 24.151 căn nhà ở đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ 58.356 căn nhà ở thuộc 02 Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ 119.144 căn nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng tiếp tục có nhiều tiến bộ với 6.024/7.696 xã (78,3%) đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước (số liệu tính đến tháng 4/2025).

Giáo dục và Đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục được triển khai thúc đẩy thực hiện theo Nghị quyết số 57 NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam đạt 6,8%; Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN (AMRO) dự báo 6,6%, và Liên hợp quốc (UN) dự báo 6,5%.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trong bối cảnh nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trung và dài hạn để nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, thu hút FDI chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất, xuất khẩu.