Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư năm 2025

PV. (t/h)

Trong dòng chảy hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Không chỉ khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, Thái Nguyên còn cho thấy sức hút ngày càng gia tăng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào hệ sinh thái đầu tư hấp dẫn, môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt và chiến lược phát triển đồng bộ.

Thái Nguyên hiện có nhiều cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả
Thái Nguyên hiện có nhiều cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả

Vị trí chiến lược - nền tảng bứt phá trong thu hút đầu tư

Nằm ở trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, tài nguyên khoáng sản phong phú mà còn giữ vai trò “cửa ngõ” kết nối vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc. Với hệ thống giao thông liên vùng phát triển gồm các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt hiện đại, Thái Nguyên đang trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển hậu COVID-19.

Không những vậy, Thái Nguyên còn là nơi hội tụ đội ngũ lao động trẻ, năng động với chất lượng đào tạo tốt nhờ hệ thống đại học - cao đẳng có truyền thống lâu đời, tiêu biểu như Đại học Thái Nguyên - trung tâm giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.

Bằng nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực xúc tiến, Thái Nguyên đã gặt hái được những kết quả ấn tượng ngay từ năm 2024 và đang tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2025.

 
 

Trong năm 2024, Thái Nguyên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Sông Công II – Giai đoạn II với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trên diện tích 296 ha. Cùng năm, tỉnh thu hút thêm 22 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký lên tới 518,54 triệu USD, bên cạnh 20 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 80,44 triệu USD – cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư quốc tế.

 Trong quý I/2025, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ước đạt khoảng 220.800 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò chủ lực, chiếm hơn 93% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 13.500 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ lực như: điện tử, chế tạo, hạ tầng đô thị, logistics và bất động sản.

Theo ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên:“Chúng tôi chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư xuyên suốt từ lúc tìm hiểu cơ hội, khảo sát địa điểm đến khi triển khai vận hành dự án. Chính sách một cửa, một đầu mối với sự cam kết trách nhiệm cao từ chính quyền địa phương đang giúp Thái Nguyên trở thành nơi ‘đất lành chim đậu’.”

 

Đại diện Lãnh đạo tỉnh và Công ty TNHH Shopee ký kết Biên bản hợp tác 
Đại diện Lãnh đạo tỉnh và Công ty TNHH Shopee ký kết Biên bản hợp tác 

 Nhiệm vụ trọng tâm - tạo đà cho bứt phá

Tỉnh Thái Nguyên đã xác định 68 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển đô thị và nông thôn mới. Trong đó, nhiều giải pháp được coi là đột phá chiến lược:

Thứ nhất: tăng cường kết nối liên vùng giữa Thái Nguyên với Bắc Giang – Vĩnh Phúc - Hà Nội, tạo trục động lực mới về phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Thứ hai: đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống kết nối trực tiếp các khu công nghiệp lớn như Yên Bình, Sào Vàng, Diễm Thùy, Nam Phúc Yên.

Thứ ba: đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, đơn giản hóa quy trình đầu tư - kinh doanh.

Thứ tư: chuyển đổi số toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ năm: phát triển kinh tế đô thị và dịch vụ du lịch, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa - lịch sử - cảnh quan như ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc...

Chiến lược phát triển bền vững - Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 10,5%, kịch bản tăng trưởng được tỉnh Thái Nguyên xây dựng với một số các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu sau:

  • Đầu tư công hiệu quả: Tập trung nguồn lực vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, phát triển khu công nghiệp – logistics và đô thị vệ tinh.
  • Nguồn nhân lực chất lượng cao: Hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng chuyên sâu trong công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
  • Tăng cường xúc tiến đầu tư có chọn lọc: Tổ chức hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước; hướng đến thu hút những nhà đầu tư “có tầm”, “có tâm”.
  • Bảo vệ môi trường và phát triển xanh: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ thân thiện, triển khai quy hoạch đô thị xanh, thông minh.

Ông Chu Văn Khanh nhấn mạnh:“Sự đồng hành, chủ động, lắng nghe từ phía chính quyền sẽ là chất xúc tác quan trọng cho thành công của nhà đầu tư tại Thái Nguyên. Chúng tôi không đơn thuần kêu gọi đầu tư, mà là kiến tạo một hệ sinh thái phát triển cùng nhau - bền vững và hiệu quả.”

Thái Nguyên mong muốn các nhà đầu tư đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thái Nguyên mong muốn các nhà đầu tư đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Với tâm thế chủ động, tư duy mở, hành động quyết liệt và định hướng chiến lược rõ ràng, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp - dịch vụ - giáo dục - đổi mới sáng tạo của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong hành trình ấy, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là nguồn năng lượng quý giá để địa phương bứt phá, chinh phục các đỉnh cao phát triển mới.

 

Theo Ông Chu Văn Khanh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên:“Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Thành công của Thái Nguyên hôm nay là kết quả từ sự sẻ chia, hợp tác và tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp.”