Triết lý 3E + S
Kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050 được nội các Nhật Bản thông qua đã đưa ra một cái nhìn mới về tương lai năng lượng Nhật Bản: phát triển năng lượng dựa trên triết lý 3E +S, viết tắt của các từ an toàn (safety), an ninh năng lượng (energy sercurity), môi trường (enviroment), hiệu quả kinh tế (econimic effeciency).
Trong chính sách năng lượng của Chính phủ Nhật Bản, năng lượng tái tạo được coi là ngành công nghiệp phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy năng lượng tái tạo, từ năm 2012, nước này đã áp dụng chế độ ưu tiên thu mua điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo trong các hộ gia đình, tổ chức tư nhân (FIT).
Điều này đã làm gia tăng các cuộc đầu tư vào lĩnh vực điện Mặt trời, lĩnh vực được coi có giá trị cao hơn điện gió, khiến nhu cầu về pin năng lượng Mặt trời tăng mạnh, làm cho sản xuất trong nước không thể đáp ứng được.
Trước tình hình này, Nhật Bản đã phải mời gọi các nhà sản xuất nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc cung cấp. Pin năng lượng Mặt trời của Trung Quốc, Hàn Quốc với giá thành rẻ đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản không thể cạnh tranh, là nguyên nhân chính khiến sản lượng của những doanh nghiệp này liên tục sụt giảm.
Số liệu cho thấy, trong năm tài khóa 2018, tổng giá trị các thiết bị điện gió được sản xuất tại các doanh nghiệp nước này đã giảm xuống còn 10 tỷ yen, trong khi tổng giá trị các thiết bị điện Mặt trời cũng giảm xuống còn 1.732,2 tỷ yen, đặc biệt là pin năng lượng Mặt trời, giảm giá trị sản xuất, chỉ bằng 1/4 so với năm 2014.
Là một trong số các nguồn cung cấp điện năng đảm bảo được yêu cầu không phát thải khí nhà kính và đạt hiệu quả bền vững, Tokyo mong muốn năng lượng tái tạo đi đầu về đổi mới công nghệ.
Để đạt được mục tiêu của chính phủ đề ra là năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 20% sản lượng điện quốc gia thì phải giải quyết vấn đề cốt yếu là phát triển thiết bị lưu trữ điện năng giá rẻ và tăng cường khả năng tự cung cấp năng lượng tái tạo theo vùng.
Do đó, kế hoạch năng lượng chiến lược nêu trên tái khẳng định tầm quan trọng của khái niệm “tự lực công nghệ” để đảm bảo Nhật Bản giữ được các công nghệ lõi trong chuỗi cung ứng năng lượng trên thị trường nội địa.
Đây cũng là những mục tiêu mà một số kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo do nội các Nhật Bản thông qua thời gian gần đây như Chiến lược Môi trường và năng lượng quốc gia cho đổi mới công nghệ đến năm 2050 (NESTI 2050), Chương trình Đổi mới sáng tạo cho công nghệ năng lượng môi trường hướng đến.
Trong các chương trình này, vấn đề đổi mới công nghệ tập trung vào việc tạo các thiết bị lưu trữ điện tiên tiến có phạm vi ứng dụng rộng như cung cấp điện năng cho ô tô điện trên đoạn đường trên 700km, công nghệ chế tạo, lưu trữ và sử dụng nhiên liệu hydrogen không phát thải CO2, hệ thống điện mặt trời gấp đôi hiệu suất của các hệ thống hiện hành…
Họ cũng thống kê và lập bản đồ 37 công nghệ liên quan chặt chẽ đến năng lượng tái tạo. Nhờ vậy, Nhật Bản không chỉ đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải mà còn có cơ hội vươn lên dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo các công nghệ liên quan đó, giúp tối ưu được sự cân bằng giữa dự báo và nhu cầu thực tế hoặc cho phép lựa chọn được nguồn cung hợp lý trong số các nguồn điện dự trữ…