Triệt tiêu "mầm bệnh" doanh nghiệp "ma"
(Tài chính) Sau một thời gian dài vắng bóng doanh nghiệp (DN) “ma”, những năm gần đây, các chính sách thông thoáng về thành lập DN, tự in hóa đơn, ưu tiên hàng xuất khẩu... lại đang bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế và rất cần có giải pháp ngăn chặn.
Lơ là… là chết
Bà Phan Thị Vịnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng từng nói, những địa phương có thế mạnh về nông – lâm – thủy sản, nằm sát biên giới, luôn tiềm ẩn những DN “ma”, dùng thủ thuật chiếm đoạt tiền hoàn thuế, tạo nên khó khăn, phức tạp và nhiều hệ lụy trong quản lý thuế.
Việc một số cán bộ thuế tỉnh An Giang bị kiểm điểm, kỷ luật do sai phạm nghiêm trọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là minh chứng cho những rủi ro khi công tác kiểm tra hoàn thuế.
An Giang là địa phương nằm sát biên giới Campuchia có thế mạnh về nông sản - thủy sản, trong 3 năm gần đây số lượng DN xuất khẩu tiểu ngạch có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT tăng đột biến. Theo số liệu thống kê, năm 2009 chỉ có 15 DN được hoàn thuế 40 tỷ đồng. Năm 2011, có 27 DN với 137 hồ sơ được hoàn 236 tỷ đồng, năm 2012 tăng lên 63 DN có 375 hồ sơ được hoàn 579 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2013, cơ quan thuế tiếp nhận 251 hồ sơ của 208 DN, với số thuế đề nghị hoàn gần 168,5 tỷ đồng.
Huyện An Phú là một “điểm nóng”, nơi có 2 lãnh đạo chi cục thuế bị đình chỉ công tác, trong 3 năm gần đây, số DN hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới có tỷ lệ tăng rất nhanh. Cụ thể: Năm 2011 tăng 107% so với năm 2010, năm 2012 tăng 140% so với năm 2011; số tiền hoàn thuế cũng tăng tương ứng 194,6% - 190%; trong khi số thuế nộp vào ngân sách mỗi năm của các DN xuất khẩu tiểu ngạch chỉ bằng khoảng 1% - 2% số tiền thuế đã hoàn.
Theo số liệu đến tháng 10/2013, Cục Thuế An Giang đã chuyển hồ sơ 5 DN sang cơ quan điều tra, do có hành vi gian lận thuế và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, phối hợp với công an, hải quan tiếp tục làm rõ vi phạm pháp luật thuế của nhiều DN khác.
Báo cáo 9 tháng năm 2013 của Cục Thuế An Giang đã chỉ ra tình trạng chậm nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế do thiếu đôn đốc, chưa cương quyết xử lý vi phạm theo quy định. Công tác quản lý, giám sát hồ sơ khai thuế chưa chặt chẽ đối với những ngành hàng, nguồn thu mang tính thời vụ như lương thực, phân bón, xăng dầu, kinh doanh gỗ… nhằm ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế.
Công tác kiểm tra, thanh tra thuế các DN hoạt động biên mậu, mặc dù nhận định có dấu hiệu rủi ro đến mức báo động, nhưng vẫn chưa chứng minh được hành vi vi phạm; phân tích thông tin rủi ro chưa sâu dẫn đến hiệu quả; tần suất các cuộc kiểm tra, thanh tra chưa cao. Các số liệu thống kê phản ánh công tác thanh tra chỉ đạt 53% kế hoạch năm 2013, số tiền gồm cả phạt và truy thu gần 36,7 tỷ đồng; kiểm tra sau hoàn thuế 232 lượt DN, tương ứng 585 hồ sơ, số tiền phạt và truy thu gần 1,4 tỷ đồng.
Trước thực tế, hồ sơ hoàn thuế tăng cao bất thường, đã có thông tin mang tính cảnh báo trong khi Cục Thuế An Giang chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, nhưng vẫn giải quyết số lượng lớn tiền hoàn thuế thời gian qua có phần chủ quan, thiếu thận trọng.
Nỗ lực triệt tiêu DN “ma”
Thủ thuật chiếm đoạt tiền hoàn thuế của DN “ma” không có gì mới: vẫn là mượn người đứng tên thành lập nhiều DN, tự in hóa đơn, xuất hóa đơn ghi khống giá trị, số lượng hàng hóa lòng vòng qua nhiều DN giao dịch ảo; thông đồng với người nước ngoài thực hiện các hợp đồng bán hàng giả, giá bán hàng thấp hơn thực tế; người nước ngoài mua hàng nộp tiền mặt vào tài khoản vãng lai, mở tại các ngân hàng thương mại để thanh toán cho DN trong nước, nhằm tạo chi phí giả trên các giao dịch không có thực, hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế.
Tổng cục Thuế đang đề nghị Bộ Tài chính, bỏ quy định thanh toán mua hàng xuất khẩu tiểu ngạch bằng cách nộp tiền mặt vào tài khoản vãng lai của tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tại các ngân hàng thương mại Việt Nam; bổ sung quy định phải có hợp đồng mua hàng xuất khẩu tiểu ngạch vào hồ sơ hoàn thuế; điều kiện DN được tự in hoá đơn; kiểm tra hải quan 100% hàng hoá xuất khẩu qua biên giới đất liền…
Ông Nguyễn Đức Thụ - Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lại đề xuất cách khác. Theo ông này, nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 5%/ tổng sản lượng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các loại đậu, khoai, bắp, sắn lát… còn lại chủ yếu xuất khẩu, nên số thuế GTGT 5% thu được từ các sản phẩm này quá nhỏ. Thực tế, người tiêu dùng khi mua hàng nông sản thường không trả tiền thuế GTGT.
“Trong khi đó, căn cứ tính mức thuế suất 5% GTGT sản phẩm nông nghiệp chủ yếu dựa vào bảng kê 04, loại chứng từ hợp lệ trong hồ sơ hoàn thuế, nhưng cơ quan thuế lại không thể xác minh nguồn gốc giao dịch. Đây là “kẽ hở” để DN “ma” lợi dụng, hợp thức hóa chứng từ đầu vào. Để triệt tiêu những tiêu cực trong chính sách hoàn thuế, Nhà nước chỉ cần điều chỉnh thuế suất các mặt hàng nông sản từ 5% xuống 0%”- ông Thụ đề xuất.