Trong 3 tuần tới, dư nợ tín dụng có thể tăng thêm 300 nghìn tỷ đồng
Tính đến ngày 7/12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2023. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ngành Ngân hàng cần bơm hơn 300 nghìn tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế trong 3 tuần cuối cùng năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%
Chiều 7/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến 29/11, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,9%. Đến hôm nay (7/12), tăng trưởng tín dụng đã đạt được 12,5%. Con số này so với cùng kỳ năm 2023 là khá tích cực, khi thời điểm này năm ngoái mới tăng được 9%.
Tổng dư nợ nền kinh tế khoản 15,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14,8 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Điều này cho thấy, ngoài việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì NHNN cũng có những động tác điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách.
Theo ông Tú, dù chưa đến một tháng nữa hết năm, câu chuyện tín dụng vẫn được giải quyết tích cực. Tăng trưởng tín dụng rất hoà đồng với tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, tín dụng gắn chặt với việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc kiểm soát lạm phát cả năm 2024. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay, đại diện NHNN nhận định, có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đã đặt ra từ đầu năm.
“Tăng trưởng tín dụng 15% là con số định hướng trong điều hành, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay, cùng với việc cuối năm bao giờ cũng là thời điểm giải ngân tích cực, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,96% so với đầu năm
Lý giải lý do tăng trưởng tín dụng cao vượt so với cùng kỳ năm trước, ông Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng được hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế đang phát triển thuận lợi, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực: Xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư chung đã có thuận lợi…
Thêm vào đó là sự điều hành tích cực đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ có sự hài hoà giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy cầu tín dụng lên cao là nhờ mức lãi suất cho vay hài hòa hơn. “Nguồn lực, nguồn vốn huy động năm nay cũng đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% - đây cũng là lý do giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư”, ông Tú cho biết.
Thời gian qua, dưới sự điều hành của NHNN, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng của ngân hàng mình. Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng chủ động trong việc tăng thêm hạn mức mà không chờ NHNN thông báo như những năm trước đây.
NHNN cũng tháo gỡ nhiều khó khăn trong thủ tục, quy định và đặc biệt là có cơ chế giãn hoãn nợ sau cơn bão số 3.
“Có thể thấy, những chính sách này trong năm 2024 đã thực sự phát huy hiệu quả và các doanh nghiệp cũng đón nhận những chính sách này tích cực, góp phần tháo gỡ cho sản xuất, tiêu dùng. Tín dụng cho bất động sản, chứng khoán mặc dù vẫn kiểm soát chặt rủi ro nhưng tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn”, Phó Thống đốc chia sẻ thêm.