Trông đợi những thương vụ thoái vốn khủng

Theo HoangViet/baodauthau.vn

Trong tháng 1 và tháng 2/2018, nhiều nhà đầu tư đã hái trái ngọt khi tham gia những phiên IPO của BSR, PV Power hay PV Oil.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện tại, không ít nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, đang quan tâm đặc biệt đến cổ phần của một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Viglacera. Các ông lớn này có gì hấp dẫn? 

ACV, đơn vị sở hữu 22 cảng hàng không

Nổi bật nhất trong số các doanh nghiệp trên phải nói đến ACV (mã chứng khoán: ACV) - doanh nghiệp thống lĩnh trong hoạt động kinh doanh cảng hàng không và đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải hiện đang nắm giữ 95,4% vốn điều lệ của ACV và dự kiến giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 75,4% trong năm 2018.

Kể từ khi được giao dịch trên sàn UPCoM vào cuối tháng 11/2016 với mức giá 35.000 đồng/CP, cổ phiếu ACV liên tục tăng và đã có lúc lên đến 119.000 đồng/CP. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch quanh mức giá 93.000 đồng/CP. Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, ngoài thông tin thoái vốn, tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu ACV trong năm 2018 cũng đến từ việc cổ phiếu ACV sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn HSX vào quý II/2018. Việc chuyển sàn sẽ giúp ACV cải thiện thanh khoản, gia tăng tính minh bạch và có thể lọt vào danh mục của các quỹ đầu tư ETF cũng như các quỹ đầu tư khác.

Năm 2017, ACV đạt doanh thu thuần 13.849 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 4.200 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm là lãi 3.669 tỷ đồng trước thuế cả năm. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2017 đạt 1.921 đồng.

Theo BVSC, triển vọng kinh doanh của ACV trong năm 2018 đến từ việc mở rộng công suất ở các cảng hàng không mà ACV đã trình lên Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, đây là kế hoạch đầu tư mở rộng 8 cảng hàng không trọng yếu trong 5 năm tới với tổng nguồn vốn dự kiến 45.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu đón 140 triệu lượt khách vào năm 2021. Ngoài ra, phí dịch vụ hành khách nội địa tăng cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của ACV trong năm 2018. 

Petrolimex - doanh nghiệp đầu ngành phân phối xăng dầu

Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ bán tiếp 24,9% vốn điều lệ của Petrolimex (mã chứng khoán: PLX) - doanh nghiệp đang nắm giữ 48% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam để giảm tỷ lệ sở hữu từ 75,9% xuống còn 51%. PLX đang là một trong những cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn nhất của giới đầu tư khi tăng gần 20% chỉ trong 1 tháng đầu năm 2018. Kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 4/2017 với giá khởi điểm là 43.200 đồng/CP, hiện tại cổ phiếu PLX đang giao dịch quanh vùng giá 89.000 đồng/CP, tương ứng P/E gần 30 lần.

Năm 2017, Petrolimex đạt 155.651 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với năm 2016. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 4.877 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.984 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước; EPS năm 2017 đạt 3.012 đồng. Với kế hoạch lãi trước thuế năm 2017, là 4.680 tỷ đồng, Petrolimex đã hoàn thành vượt 4% chỉ tiêu đề ra. 

Viglacera, “ông lớn” vật liệu xây dựng

Một doanh nghiệp “hot” nằm trong danh mục thoái vốn năm 2018 của Bộ Xây dựng là Viglacera (mã chứng khoán: VGC) - doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Bộ Xây dựng dự kiến giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 36% vốn điều lệ của Viglacera trong năm 2018 và sẽ thoái hết vào năm 2019.

Kể từ sau khi thực hiện cổ phần hóa vào năm 2014 và đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM kể từ tháng 10/2015, hoạt động kinh doanh của Viglacera đã có sự cải thiện mạnh mẽ, doanh thu và lợi nhuận của Viglacera liên tục tăng trưởng. Năm 2017, Viglacera đạt 9.069 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 909,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 755,7 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2016. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 844 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt 8% kế hoạch.

Cùng với đó, cổ phiếu VGC cũng liên tục tăng trưởng và đang được giao dịch ở mức giá 23.000 đồng/CP, tăng 58% so với thời điểm đầu năm 2017.

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), triển vọng kinh doanh năm 2018 của Viglacera đến từ các dự án vật liệu xây dựng mới, từ kính xây dựng, sứ, đến gạch granite. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường vật liệu xây dựng sẽ khốc liệt hơn trong năm tới, đặc biệt là gạch xây dựng. Điều này sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng của Viglacera chậm lại. Về hoạt động khu công nghiệp, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục ghi nhận dòng tiền ổn định và vững chắc, chủ yếu đến từ hai dự án tâm điểm hiện nay là Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng và Khu công nghiệp Đồng Văn IV. Với vị trí giao thông chiến lược và thuận lợi, những dự án này sẽ nhanh chóng lấp đầy và mang lại thêm lợi nhuận cho Viglacera.

Bình luận về các cuộc thoái vốn trên, một chuyên gia chứng khoán cho biết, do cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức nên giá đấu giá sẽ tham chiếu theo giá giao dịch trên sàn. Do đó, cơ hội mua giá thấp như trong các cuộc IPO là không nhiều. Mặt khác, do bán ra khối lượng lớn nên những cuộc thoái vốn tới đây có lẽ sẽ là sân chơi dành cho nhà đầu tư tổ chức.