Trung Quốc "bỏ" đấu thầu: Nguy cơ hay cơ hội cho Việt Nam?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp nước họ tham gia đấu thầu các dự án tại Việt Nam như một sự "trừng phạt kinh tế" có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Trạm biến áp 500 KV Hiệp Hòa, vừa hết bảo hành là hỏng. Nguồn: internet
Trạm biến áp 500 KV Hiệp Hòa, vừa hết bảo hành là hỏng. Nguồn: internet

Thống kê do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho biết, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu.

Những "tiền lệ" xấu

Song, kết quả thì thật đáng buồn. Thực tế cho thấy, nhiều dự án mà Trung Quốc làm tổng thầu thường chậm trễ, kéo dài thời gian thi công, yêu cầu chủ đầu tư bù giá, làm đội vốn đầu tư, như: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Không chỉ tiến độ chậm, tăng giá thành lên cao, mà khi đưa vào bàn giao, các công trình mà Trung Quốc đảm nhiệm có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Điều đáng nói là sau đó, tất cả các dự án này đều chung một kịch bản đáng buồn nói trên… rồi vẫn tiếp tục thắng thầu ở những dự án khác.

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm khẳng định dù bất kỳ với nhà thầu nào có sai phạm cũng phải xử lý nghiêm minh để tạo lòng tin, tạo môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, thời gian vừa qua, hiện tượng hàng loạt các dự án do tổng thầu Trung Quốc thi công bị kéo dài thời gian, đội giá, chất lượng có vấn đề gây bức xúc trong dư luận đã không được xử lý một cách triệt để. "Việc nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá thấp rồi đồng loạt xin vượt giá là điều không bình thường, không thể được chấp nhận", ông Kiêm nói.

Chỉ thẳng hiện tượng trên là phổ biến, đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tiếp cho biết rất nhiều dự án bị đội thầu đều nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc. Đại biểu này nhận định đây là chiêu quen_ thuộc của tổng thầu Trung Quốc, bỏ thầu giá thấp, khi thực hiện thi công, các công trình luôn bị kéo dài thời gian, chất lượng kém rồi chờ thời cơ xin đội vốn.

"Hiện tượng này là có và phải khẳng định lỗi là do mình, do quản lý không triệt để, nhất quán. Trách nhiệm này thuộc về trực tiếp là các chủ đầu tư rồi đến những cơ quan quản lý quyết định đầu tư, cụ thể là Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư", đại biểu Tiếp nói.

Ông cũng cho biết hiện tượng này mặc dù đã được phản ánh và trở thành phổ biến nhưng các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng dường như không có hiệu quả. Vấn đề này khiến ông lo ngại, nếu không có một biện pháp triệt để, minh bạch thì sẽ tạo thành tiền lệ cho các dự án khác, tổng thầu khác.
Mới đây, một sự cố lịch sử vừa xảy ra trên hệ lưới điện Bắc – Nam: Liên tiếp trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 14/5, cả hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt hơn 1.000 MW. Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và sự cố xảy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành.

Không ngại Trung Quốc "tẩy chay"

Song, trước một số sự cố của máy biến áp 500kV Hiệp Hòa đặt ra câu hỏi về chất lượng, cách vận hành, thậm chí "đầu vào công nghệ" của hệ thống này, thì đại diện EVN lại lý giải với báo giới rằng: "Công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện đã được tổ chức tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra".

Ngày 9/6, nhiều tờ báo dẫn nguồn từ tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông cho biết, Chính phủ Trung Quốc tạm thời cấm các công ty quốc doanh của nước này tham gia đấu thầu dự án ở Việt Nam. Ngày 10/6, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về việc này.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: nếu có việc Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam thì họ bị thiệt trước tiên. Ông Thăng không ngại doanh nghiệp Trung Quốc "tẩy chay" thị trường Việt Nam.

Một chuyên gia lĩnh vực đấu thầu thẳng thắn nói: "Trung Quốc có cấm thầu cũng là điều mừng cho Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đối tác khác có uy tín và kinh nghiệm hơn".

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, "hiến kế" giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Các Hiệp định Thương mại tự do là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và cần tìm lối ra để tránh bỏ trứng vào một giỏ.
"Muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc Trung Quốc, đầu tiên là phải đa dạng thị trường. Tránh việc buôn bán theo kiểu có gạo gì thì bán gạo, có cà phê thì bán cà phê, "tiền trao cháo múc" là xong", ông Lộc nói.

Nói cách khác, đây là cú hích để các doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác nước ngoài mới có tiềm năng hơn hẳn Trung Quốc.