Trung Quốc bơm 2,2 tỷ USD để tránh phụ thuộc công nghệ Mỹ

Theo Nhật Minh/news.zing.vn

Hơn lúc nào hết, Trung Quốc cần những công nghệ tối tân nhất được sản xuất trong nước để tránh sự phụ thuộc vào Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các quỹ do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã bơm khoảng 2,25 tỷ USD vào nhà máy sản xuất bán dẫn của Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC). Theo Bloomberg, khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ SMIC sản xuất các loại chip hiện đại.

Phản ứng với quyết định Mỹ

Đây là phản ứng đầu tiên của Trung Quốc sau động thái của Mỹ vào cuối tuần qua. Vào ngày 15/5, chính quyền Mỹ thay đổi quy định nhằm ngăn chặn các công ty sản xuất chip xử lý của nước này bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm cho Huawei.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang sửa đổi quy định xuất khẩu, "nhắm một cách chiến lược vào khả năng sở hữu hoặc mua lại bóng bán dẫn là sản phẩm trực tiếp từ phần mềm và công nghệ của Mỹ".

Bóng bán dẫn (semiconductor) là thành phần chính có kích thước siêu nhỏ trong các bộ vi xử lý máy tính cũng như điện thoại thông minh. Bộ Thương mại cho biết quyết định này của họ sẽ cắt đứt những nỗ lực hiện tại của Huawei nhằm lách qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Quy định này được cho sẽ là một đòn khủng khiếp giáng xuống Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, cũng như công ty sản xuất bóng bán dẫn hàng đầu của Đài Loan là TMSC.

Theo quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip sẽ cần xin một "giấy phép con" từ chính phủ Mỹ trước khi cung cấp chip cho Huawei, hoặc một công ty con của Huawei như HiSilicon.

Đồng thời, để Huawei có thể tiếp tục nhận được chip từ các công ty này, hoặc sử dụng thiết kế bóng bán dẫn từ các công ty Mỹ, họ cũng cần có giấy phép chấp thuận từ Bộ Thương mại Mỹ.

Kỳ vọng vào công ty chip nội địa

Theo thông báo được đưa ra vào cuối tuần qua, vốn đăng ký của nhà máy SMIC đã nhảy vọt từ 3,5 tỷ USD lên 6,5 tỷ USD sau khi nhận được các khoản đầu tư. Công ty sản xuất chip này có nhà máy tại Thượng Hải và là nhà máy gia công các vật liệu bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc.

Nhà máy của SMCI có khả năng sản xuất 6.000 tấm bán dẫn trên tiến trình 14 nm mỗi tháng. Họ cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng lên mức 35.000 tấm.

Trung Quốc đang đặt cược vào xưởng sản xuất chip của SMIC để giảm bớt sự phụ thuộc vào phía Mỹ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không thể diễn ra ngày một ngày hai. Giống như Apple hay Qualcomm, Huawei, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cũng có khả năng tự thiết kế ra chip cho smartphone và các thiết bị khác dựa trên những kiến trúc từ ARM.

Tất cả những cái tên nói trên sau khi thiết kế xong đều phải đưa cho một đối tác gia công, bởi họ không sở hữu nhà máy gia công chip. Đối tác gia công lớn nhất thế giới hiện nay là TSMC. Tuy nhiên, quy định mới của Mỹ có thể khiến cho TSMC gặp khó nếu muốn làm chip cho Huawei.

Vào đầu năm 2020, SMIC tuyên bố đã có thể sản xuất chipset ở tiến trình 14 nm và cung cấp cho Huawei. Huawei Kirin 710A là con chip smartphone đầu tiên được thiết kế, sản xuất, kiểm nghiệm và đóng gói hoàn toàn trong nội địa Trung Quốc.

Tuy nhiên, công nghệ của SMIC đi sau TSMC rất xa. Trong khi SMIC chỉ có thể sản xuất chip ở tiến trình 14 nm, thì TSMC đã hoàn thiện tiến trình 5 nm. Điều đó có nghĩa là trên mỗi mm vuông, con chip của TSMC có thể tích hợp tới 171,3 triệu bóng bán dẫn, trong khi con số này của SMIC chỉ là 43 triệu. Do vậy, Kirin 710A là chip smartphone duy nhất của Huawei mà SMIC sản xuất được, phần lớn đơn hàng còn lại sẽ là những con chip đơn giản hơn dùng cho các thiết bị IoT.

TSMC là công ty gia công đứng thứ nhất, và công ty sản xuất đứng thứ hai trong ngành bán dẫn toàn cầu năm 2019. Họ xây dựng vị thế này trong nhiều năm, vượt qua những đối thủ sừng sỏ như Intel hay Samsung. Theo kế hoạch phát triển của Huawei bị rò rỉ trên mạng, hãng này sẽ còn phải gắn bó với TSMC trong nhiều năm nữa để phát triển các dòng chip trên tiến trình 5 nm.

South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết doanh thu của Huawei đóng góp từ 13-15% tổng doanh thu của TSMC. Kể cả khi tập trung chuyển đổi một số sản phẩm cho SMIC gia công, con số hụt đi chỉ khoảng 1-3%. "Hiện nay vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa TSMC và SMIC về công nghệ, độ ổn định và tin cậy", Gu Wenjun, nhà phân tích tại ICWise nói với SCMP.