Trung Quốc “bơm” thêm gần 65 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Ngày 3/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức Ngân hàng trung ương của nước này) thông báo đã "bơm" 437 tỷ Nhân dân tệ (64,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính trong các hoạt động thị trường mở thông qua cơ chế cho vay trung hạn.
Số tiền này sẽ được rót cho 21 thể chế tài chính, trong đó 230 tỷ nhân dân tệ (NDT) có kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất không đổi là 2,85% và 207 tỷ NDT có kỳ hạn 1 năm với lãi suất 3%.
Hãng Chứng khoán CITIC nhận định động thái này sẽ không làm giảm nhiều tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng vì PBoC sẽ dựa vào các hoạt động thị trường mở nhiều hơn để đảm bảo khả năng thanh toán bằng tiền mặt.
Trong khi đó, PBoC tái khẳng định nhu cầu duy trì một chính sách tiền tệ thận trọng với việc điều chỉnh đúng thời điểm nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế lẫn giảm nợ.
Cơ chế cho vay trung hạn (MLF) lần đầu được giới thiệu vào năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng thương mại và 3 ngân hàng chính sách của Trung Quốc duy trì khả năng thanh toán bằng tiền mặt thông qua việc cho phép các ngân hàng vay tiền từ ngân hàng trung ương bằng cách sử dụng cổ phiếu như tài sản thế chấp.
Trong phiên giao dịch chiều 3/11, thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng điểm giữa bối cảnh Bắc Kinh công bố số liệu kinh tế tích cực, song một số nhà đầu tư vẫn lo ngại về những diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 26,21 điểm (0,84%) lên 3.128,94 điểm, trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu tăng trưởng ổn định hơn.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 10/2016, hoạt động chế tạo tại nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm, nhờ sự cải thiện nhu cầu và sản xuất.