Trung Quốc chậm lại, thế giới…tiến lên?

Theo Quỳnh Mai/ttvn.vn

Trong quý hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đạt mức chậm nhất kể từ năm 1992. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu toàn cầu không hề để tâm. Thậm chí, chỉ số MSCI All-country World Index còn tăng nhẹ.

 Trong quý hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đạt mức chậm nhất kể từ năm 1992. Nguồn: internet
Trong quý hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đạt mức chậm nhất kể từ năm 1992. Nguồn: internet

Kể từ tuần trước, cổ phiếu đã tăng giá và lợi suất trái phiếu toàn cầu cũng có bước tiến lớn nhất kể từ đầu tháng 4. Một chiến lược gia hàng đầu về tỉ giá tại BMP Capital Markets ví von "con lắc tâm trạng của thị trường đã sẵn sàng quay đầu từ suy nghĩ ‘trời sập đến nơi’ về quan điểm ‘chúng ta có thể vượt qua’". Về Trung Quốc, GDP chỉ tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và giá trị đầu tư trong tháng 6 đều vượt mong đợi.

Tại Mỹ, chỉ số đại diện cho các hoạt động sản xuất tại bang New York đã tăng vượt mức dự đoán. Các ngân hàng trung ương giữ thái độ ôn hoà hơn, tạo điều kiện cho phép chuỗi cung ứng tiền tệ toàn cầu tăng tốc. Chỉ số do Bloomberg thống kê đo lường số liệu cung tiền M2 của 12 nền kinh tế lớn (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, khu vực đồng euro và Nhật Bản) cho thấy lượng cung tiền của nhóm này đã tăng thêm 1,76 nghìn tỉ USD kể từ giữa tháng 5, chạm mốc 75,5 nghìn tỉ, dù trong năm tháng rưỡi đầu năm nay, chỉ số này chỉ tăng thêm 675 tỉ USD. Nhiều người cho rằng sự tăng trưởng của chuỗi cung ứng tiền tệ toàn cầu của các ngân hàng trung ương là động lực chính cho màn trình diễn xuất sắc của các tài sản rủi ro.

 Trung Quốc chậm lại, thế giới…tiến lên?  - Ảnh 1

Mặt trái của tình trạng nợ nần chồng chất

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã công bố nhận định theo quý của mình về tình trạng nợ "chất đống" trên toàn cầu và kết luận rằng nợ toàn cầu đã tăng thêm 3 nghìn tỉ USD chỉ trong quý đầu năm 2019, chạm mốc 246 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, tổng nợ chỉ tăng thêm 3,3 nghìn tỉ USD trong cả năm ngoái.

Đây là một con số đáng báo động, ngoại trừ những đối tượng kiếm sống từ thị trường trái phiếu. Thị trường thu nhập cố định toàn cầu đã hồi phục đáng kể, dẫn đầu là nợ tại khu vực đồng euro. Với mức lãi suất 1,53% hiện tại, lợi tức trung bình theo chỉ số Bloomberg Barclays Aggregate Bond Index đã sụt giảm liên tục sau khi đạt đỉnh 2,27% vào tháng 11. Trên hết, các nhà kinh tế học đã không thể điều chỉnh dự đoán lợi tức đủ nhanh theo xu hướng này.

Tính đến tháng 6, tài sản trên bảng cân đối của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng TW Nhật Bản và Ngân hàng TW Anh giữ vững mức 35,5% tổng GDP, tăng mạnh so với mức 10% của năm 2008. Nhưng tin tốt là giá trị nợ hiện nay vẫn thấp hơn mức đỉnh 248 nghìn tỉ USD vào đầu năm 2018 sau khi tăng đột ngột từ mức dưới 200 nghìn tỉ USD trước khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, IIF cho biết đây không phải lúc để tự mãn. Theo một báo cáo của IIF, các điều kiện tài chính nới lỏng sẽ khiến nợ tăng thêm, dấy lên lo ngại về gánh nặng trả nợ và tính bền vững của nợ công.

Làm ít nói nhiều

Nỗ lực giảm giá đồng đô la của chính quyền Trump không có nhiều tác động đến đồng bạc xanh. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot đã tăng thêm khoảng 1% so với mức đáy vào cuối tháng 1 năm nay. So với tiền tệ ở các thị trường mới nổi, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Chỉ số MSCI về tiền tệ của các thị trường mới nổi đã gần chạm tới mức đỉnh từ giữa năm 2018. Cổ phiếu cũng diễn biến tương tự.

 Trung Quốc chậm lại, thế giới…tiến lên?  - Ảnh 2

Diễn biến này phần nào phản ánh cách thức đổi chiều của nền kinh tế toàn cầu trước thái độ đột nhiên ôn hoà của FED và ECB. Không chỉ vậy, không có nhiều dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của suy thoái thương mại toàn cầu tới nền tài chính của các nền kinh tế mới nổi. Dự trữ ngoại hối của 12 nền kinh tế mới nổi lớn nhất, ngoại trừ Trung Quốc, đã tăng vọt từ 3,21 nghìn tỉ USD vào tháng 10 lên mức kỷ lục 3,24 nghìn tỉ USD vào tuần trước.

Chỉ số Bloomberg Barclays về trái phiếu tiền tệ trong nước của các thị trường mới nổi cũng tăng 5,92% kể từ cuối tháng 5. IFF dự đoán 40,8 tỉ USD đã được đầu tư cho tài sản nợ và cổ phiếu của các thị trường mới nổi vào tháng 6 – mức cao nhất trong vòng năm tháng trở lại đây.

Giá quặng sắt liên tục hồi phục

Có một lý do khác khiến nhiều nhà đầu tư ít quan ngại về tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc: suy thoái có thể khiến chính phủ tăng các biện pháp kích thích kinh tế. Thị trường quặng sắt thể hiện điều này rõ ràng nhất. Giá nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép đã tăng 2,35% sau khi Trung Quốc công bố số liệu GDP, lên mốc cao kỷ lục kể từ năm 2013 và tăng tổng cộng 77% kể từ đầu năm.

Các nhà sản xuất thép đạt sản lượng 2,92 triệu tấn thép nguyên khối mỗi ngày, tổng sản lượng toàn tháng tăng 10% so với đầu năm. Các nhà đầu tư hiện đang tìm cách xác định nhu cầu thép tại Trung Quốc sau một loại gián đoạn cung ứng khiến giá quặng sắt tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng năm năm, buộc tập đoàn công nghiệp thép hàng đầu quốc gia phải thúc giục chính phủ duy trì trật tự thị trường. Điều này cho thấy nhu cầu trong các ngành chuyên sử dụng thép đang tăng cao dù nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Động thái hồi phục của quặng sắt càng gây bất ngờ hơn khi các ngành hàng hoá truyền thống khác trong nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.