Hải quan phát hiện nhiều mặt hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam
Hàng nghìn tấn mật ong có xuất xứ Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đưa đi nước khác; hay tại Lạng Sơn có công ty nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác Việt Nam…. là những sự việc đã được cơ quan Hải quan phát hiện.
Liên quan đến vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với hàng hóa nước ngoài lợi dụng xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba nhằm hưởng ưu đãi, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã có một số thông tin đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành vào chiều 15/7/2019.
Cụ thể, ông Hùng cho hay, với sự chủ động trong kiểm soát, chống gian lận C/O; lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý một số vụ việc, điển hình như vụ hàng nghìn tấn mật ong có xuất xứ Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đưa đi nước khác. Hay việc kịp thời phát hiện, chặn đứng một vụ việc có nguy cơ đưa hàng triệu tấn nhôm thành phẩm từ nước ngoài vào theo loại hình kho ngoại quan để lấy C/O Việt Nam có thể xuất đi nước thứ ba… Đặc biệt một doanh nghiệp bình thường có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến hàng chục triệu USD một cách bất thường.
Cùng với đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đang tập trung điều tra 6 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch tăng trưởng bất thường. Quá trình điều tra, cơ quan Hải quan xác định được một số sai phạm như sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu nhưng ký khống; giấy chứng nhận sử dụng đất giả trong hồ sơ nhằm chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam.
Làm việc với cơ quan Hải quan, đại diện doanh nghiệp cũng thừa nhận thu mua nguyên liệu như keo, bạch đàn từ các hộ dân; có cả trường hợp sử dụng chiêu thức quay vòng hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều lô hàng để xin cấp C/O với số lượng hàng hóa vượt quá số lượng trên hóa đơn… Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp nhập ván bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O, quá trình điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện hành vi lập hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn của các hộ dân với mục đích xin C/O (Việt Nam) để xuất khẩu.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu còn cho biết, Cục này còn phát hiện Công ty Hữu Nghĩa (Lạng Sơn) nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất ở Việt Nam; có công ty nhập khẩu nguyên sản phẩm khóa từ Trung Quốc nhưng lại thể hiện là khóa Việt - Tiệp, sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam; thậm chí có công ty nhập hàng từ Trung Quốc nhưng ghi sẵn nhãn mác hàng hóa nổi tiếng trên thế giới.
Tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ vụ việc Công ty Trần Vượng nhập hàng tỷ đồng loa, amply Nonamax sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam.
Quá trình điều tra, cơ quan Hải quan cũng xác định trách nhiệm của một số chính quyền địa phương và một số cơ quan quản lý khác, bởi những người dân có liên quan khẳng định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng nhưng vẫn khai báo đã được cấp để trồng gỗ xuất khẩu.
Đối với cơ quan cấp phép, Cục Điều tra chống buôn lậu xác định một số bản kê khai thác lâm sản không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, tức là không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp C/O; thậm chí trong nhiều bảng kê bị thiếu tiêu chí, trùng lắp, khai sai, thậm chí mâu thuẫn nhau nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp phép.
“Việc đấu tranh của cơ quan chức năng hiện nay nhằm mục đích bảo hộ hàng hóa có sở hữu trí tuệ, chống thất thu ngân sách Nhà nước, kê khai khống giá trị hoàn thuế. Tuy nhiên qua thực tế điều tra, quản lý Nhà nước liên quan đến cấp phép xuất xứ C/O vẫn còn nhiều bất cập", ông Hùng cho biết.