Trung Quốc có thực sự chinh phục lục địa đen?
(Tài chính) Thời gian qua, Trung Quốc đã thực sự mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Phi với rất nhiều dự án đầu tư quan trọng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đất nước gấu trúc có nhiều điểm chưa thực sự chinh phục được lục địa đen.
Nhưng các doanh nhân Trung Quốc dường như không hề bối rối với cuộc tranh đua bởi vì bản thân họ đang nhìn ra xa hơn lục địa đen. Nói như một nhà quản lý xây dựng Trung Quốc ở Kenya, ông He Lingguo, kinh doanh ở châu Phi rất tốt nhưng cái tốt này còn có ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Bản thân ông đang hy vọng có thể chuyển sang Venezuela làm ăn.
Một thập kỷ trước, châu Phi đường như là một nơi không có cạnh tranh và là sân tập đối với đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh. Nhưng trong những ngày này, tham vọng của Trung Quốc lớn hơn việc giành chiến thắng trong thương trường ở lục địa nghèo nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm nhà nước kéo dài như tới Tanzania ít dần. Thay vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn đầu tư 250 tỷ USD vào khu vực Mỹ Latin trong thập kỷ tới.
Sự tăng trưởng về nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng châu Phi đang chậm lại và giá cả của nhiều nguyên liệu thô cũng đang giảm. Điều đó có nghĩa, việc thèm muốn các sản phẩm nông nghiệp, hay đất nông nghiệp của đất nước gấu trúc có thể tăng khi dân số nước này ngày càng đông và tầng lớp trung lưu trở nên giàu có hơn.
Tuy nhiên, người châu Phi đang ngày càng tỏ ra ngờ vực các công ty Trung Quốc. Họ tỏ ra lo lắng về những thương vụ không công bằng hay những thiệt hại môi trường. Những ý kiến phản đối càng lên mạnh khi xã hội châu Phi đang ngày càng yêu cầu sự minh bạch và đề cao nhân quyền. Điều này có thể là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, quốc gia vốn có chính sách đối ngoại phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau, ít để ý đến quan hệ giữa nhà nước với người dân. Năm ngoái, nhiều tổ chức của công dân Senegal đã ngăn chặn một thỏa thuận bàn giao tài sản ở trung tâm Thủ đô Dakar cho các nhà phát triển Trung Quốc. Ở Tanzania, các nghiệp đoàn chỉ trích Chính phủ vì đã cho phép tiểu thương Trung Quốc vào nước này.
Một số quan chức châu Phi cũng đang lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Ông Lamido Sanusi, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, nói rằng châu Phi đang mở cửa đón nhận một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc, trong đó Trung Quốc lấy đi những mặt hàng quan trọng của châu Phi và bán cho châu lục này những mặt hàng chế tạo mà không chuyển giao công nghệ, kỹ năng.
Sau nhiều năm nói nhiều về mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc dường như có vẻ nhận thức vấn đề hơi muộn màng. Trong chuyến công du châu lục đen, ngoại trưởng Trung Quốc hôm 12.1 mới khẳng định, chúng tôi hoàn toàn không đi theo con đường cũ của thực dân phương Tây. Cuối tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường, thừa nhận những vấn đề gai góc đang nổi lên giữa mối quan hệ Trung Quốc với châu Phi.
Trung Quốc có vài tham vọng chính trị ở lục địa đen. Nước này kết bạn cả với các nước dân chủ lẫn các thể chế chính trị mà phương Tây cho là độc tài. Tuy nhiên, ngân sách viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi còn khá nhỏ bé. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc được gửi tới đây còn mỏng và thường hoạt động ở những nơi ít nguy hiểm. Mô hình phát triển theo chủ nghĩa nghiệp đoàn của Trung Quốc chỉ thu hút được rất ít quốc gia đi theo ngoài Ethiopia và Rwanda. Hầu hết các quốc gia châu Phi đang phát triển nhanh thường đi theo những ý tưởng thị trường tự do của phương Tây. Ở Nam Sudan, nơi Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh ngoại giao, họ cũng đạt được những thành quả rất khiêm tốn. Những nỗ lực để chấm dứt nội chiến ở đây, vốn đang gây nguy hiểm đối với nguồn cung dầu của Trung Quốc, đã thất bại.
Phần lớn người nhập cư Trung Quốc ở châu Phi tập trung ở những nước hạng hai như Zambia mà ít hiện diện ở những nơi siêu cạnh tranh như Nigeria. Không giống như những người nước ngoài khác, người Trung Quốc thường có suy nghĩ rằng sau một thập kỷ hiện diện tại châu Phi, đất nước vạn lý trường thành sẽ chinh phục và thống trị lục địa đen. Tuy nhiên, với nhiều người, Trung Quốc thực tế chỉ là một nhà đầu tư ngoại quốc đang cố gắng tìm kiếm lợi thế ở đây.