Trung Quốc: Gánh nặng từ những thành phố “ma”

Theo daibieunhandan.vn

Tính chung cả nợ công và nợ tư, tỷ lệ nợ của Trung Quốc lên đến 236% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là lý do khiến cuối tháng 3 vừa qua, Standard & Poor's đã đánh sụt Trung Quốc từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”- bước đi Moody's đã thực hiện trước một tháng. Nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về tài chính Trung Quốc, nêu ra nguy cơ khủng hoảng trong trung hạn. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là các thành phố mọc lên nhưng không có người ở.

 Một trong số những thành phố ma ở Trung Quốc.
Một trong số những thành phố ma ở Trung Quốc.

Thành phố “ma” - sự lãng phí trong xây dựng

Trong vòng 7 năm qua, nợ công Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần, chủ yếu do cơn sốt xây dựng tại nhiều thành phố. Một số nhà kinh tế cho rằng đến năm 2020, tổng nợ công Trung Quốc sẽ lên đến 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng nghĩa với không thể có tăng trưởng. Le Monde dẫn ra trường hợp thành phố Đại Đồng ở Sơn Tây. Trung tâm văn hoá trị giá 500 triệu USD do một kiến trúc sư Anh nổi tiếng thiết kế, 3 năm sau khi khánh thành, chỉ có các nhân viên bảo vệ và một ít người hiếu kỳ có thể thưởng lãm kiến trúc hiện đại của công trình này.

Đối diện là trung tâm thể thao gồm một sân vận động 30.000 chỗ, một sân tập đa năng và hai hồ bơi thế vận, nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Còn bức tường vĩ đại đi xuyên qua một phần thành phố, xây theo kiểu cố cung, đã bị bỏ dở nửa chừng. Sự lãng phí nghiêm trọng này đã khiến Đại Đồng trở thành biểu tượng cho tình trạng nợ nần của các địa phương Trung Quốc. Do quá lệ thuộc vào than đá, năm 2008 thành phố vốn là Tây Kinh của thời nhà Kim đã khởi công những công trình hoành tráng nhằm thu hút du khách. Nhưng đến năm 2013, phải ngưng lại toàn bộ: ngân sách của thành phố 3 triệu dân này không còn đồng nào. Nợ nần lên đến 10 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ euro).

Năm 2015, số nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc là 15.400 tỷ nhân dân tệ (2.088 tỷ euro), tức gần 25% GDP theo số liệu chính thức. Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ vốn dè dặt, năm ngoái đã phải nhìn nhận rằng một số chính quyền địa phương không thể trả nổi nợ. Dù hiện nay tỷ lệ nợ trung bình là 86% so với thuế thu được, có 100 thành phố và 400 quận huyện đã đạt ngưỡng nguy hiểm là 100%, thậm chí có nơi lên đến 220%.

Nguyên nhân chính là cơn sốt xây dựng hoành hành từ nhiều năm qua tại Trung Quốc. Thủ phủ của mỗi tỉnh đều cho xây dựng thêm bốn hay năm khu phố hoàn toàn mới. Tổng cộng trên toàn quốc hiện có khoảng năm chục thành phố “ma”, theo tính toán của công cụ tìm kiếm Bách Độ từ vị trí và sự di chuyển của 700 triệu cư dân mạng.

Hoàn tất năm 2010 sau 5 năm xây dựng, Ordos (viết theo chữ Hán: Ngạc Nhĩ Đa Tư thị) ở Nội Mông là thành phố “ma” nổi tiếng nhất Trung Quốc, thu hút các nhà báo tò mò nhiều hơn là dân cư. Dự kiến sẽ tiếp đón một triệu dân, nhưng chính quyền địa phương phải đại hạ giá nhà ở để đưa được 100.000 nông dân ở các khu vực lân cận đến. Ordos ngày nay mắc nợ đến 240 tỷ nhân dân tệ (32,5 tỷ euro). Nhiều công ty được chính quyền thành phố bảo lãnh đang bên bờ vực phá sản.

Bế tắc trong trung và dài hạn

Trước thực trạng này, Chính quyền Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn. Từ năm ngoái, Bộ Tài chính Trung Quốc đã cho phép chuyển nợ của các địa phương thành trái phiếu, phát hành dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Trung ương. Nhờ đó tỷ lệ lãi chỉ còn 4,5% thay vì 7%. Hao Hong, Giám đốc nghiên cứu của Bank of Communications International, nhận xét chính quyền Bắc Kinh sử dụng uy tín của mình để giảm gánh nặng lãi, nhưng biện pháp này chỉ mang tính chữa cháy vì chính quyền trung ương không thể xóa nợ cho các địa phương.

Ngoài ra, một giải pháp khác là tái cân bằng chi tiêu của chính quyền trung ương và địa phương. Cho đến nay, các địa phương lấp khoảng trống thu nhập bằng cách bán đất xây dựng, mà nguồn này không còn nữa từ khi bắt đầu khủng hoảng địa ốc.

Tuy nhiên, những biện pháp này không mang tính bền vững khi hiện nay nợ nần của Trung Quốc tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế: nợ đã tăng gấp bốn trong vòng bảy năm qua. Theo ước tính của Moody’s, nợ công của Trung Quốc tăng tới 40,6% GDP so với mức 32,5% của năm 2012 và có thể lên mức 43% trong năm 2017.” Còn chuyên gia Vincent Chan của Crédit Suisse cảnh báo tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt đến mức 300% GDP trước năm 2020. Kinh nghiệm cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ ngừng lại, một khi tỷ lệ nợ nần lên đến mức cao như thế.

Về mặt lý thuyết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có thể chịu đựng được nếu tăng trưởng vượt 10%/năm. Nhưng thực tế, năm 2015 tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn có 6,9%, thấp nhất từ 25 năm qua. Một số nhà kinh tế muốn giảm nhẹ nỗi lo, nêu ra vấn đề dự trữ ngoại hối và tỷ lệ tiết kiệm cao trong dân, cũng như chủ nợ đa số là người trong nước.

Chuyên gia Vincent Chan bày tỏ quan ngại cho nền kinh tế Trung Quốc về trung hạn và dài hạn. Trước mắt, tài chính Trung Quốc còn khá vững chắc với 3.210 tỷ USD dự trữ. Nhưng số tiền này đã bị hao hụt mất 800 tỷ USD từ năm 2014 do phải tung ra để cứu đồng nhân dân tệ. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từng coi kho dự trữ này là niềm tự hào dân tộc, là biểu tượng sức mạnh của quốc gia. Giờ đây, dự trữ ngoại tệ hao hụt là một trong nhiều nhân tố làm lung lay lòng tin của giới đầu tư trên thế giới vì sự suy giảm có thể tác động xấu tới hệ thống tài chính của Trung Quốc. Một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng có thể Trung Quốc sẽ phải để mặc cho đồng nội tệ mất giá, thay vì tiếp tục tiêu lạm vào tiền dự trữ.

Nhiều nhà phân tích khác cũng chia sẻ quan ngại tương tự. Khi quyết định đánh sụt hạng tín nhiệm, Standard & Poor’s nhận xét: “Nhịp độ và chiều sâu của việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước có lẽ không đủ để làm giảm rủi ro của sự tăng trưởng nhờ vay mượn”. Dự báo năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách lên tới mức cao nhất trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây, khi các nhà lãnh đạo tăng chi tiêu chính phủ để kìm hãm đà giảm tốc của nền kinh tế. Điều này càng chồng chất thêm những khó khăn lên gánh nặng nợ nần của Trung Quốc.