Trung Quốc giữ chìa khóa mở ra tương lai ngành ôtô thế giới?
Các nhà sản xuất ô tô Đức biết rằng tương lai của ngành công nghiệp này nằm ở ô tô chạy bằng điện, xe tự hành và Trung Quốc. Họ đang có kế hoạch lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đức như BMW và Volkswagen vừa ký hàng loạt thỏa thuận trong tuần này để tiếp tục phát triển các mẫu ôtô chạy điện và tự hành tại Trung Quốc.
Các thỏa thuận này đến cùng thời điểm với chuyến thăm Berlin của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhưng cũng phản ánh sự gia tăng nhận thức rằng Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa mở ra tương lai của ngành công nghiệp ôtô.
Các nhà máy tại Trung Quốc sản xuất khoảng 25 triệu xe trong năm 2017, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô quốc tế. Trung Quốc cũng là thị trường hàng đầu cho nhiều nhãn hiệu xe quốc tế. Người dân nước này cũng mua xe điện nhiều hơn tất cả các quốc gia khác.
BMW và Volkswagen đã công bố tới 6 thỏa thuận.
Hôm 10/7, Volkswagen tuyên bố đã đầu tư tới 15 tỷ euro (17,6 tỉ USD) vào Trung Quốc để phục vụ các nghiên cứu về phương tiện chạy điện, vạn vật kết nối và tự hành. CEO Herbert Diess nói rằng công ty sẽ “mở rộng hợp tác một cách có hệ thống” tại Trung Quốc.
Trong khi đó, BMW đang hoàn thiện kế hoạch để sản xuất xe chạy điện mang thương hiệu Minis tại Trung Quốc thông qua liên doanh với Great Wall Motor. BMW cũng tham gia dự án Apollo, một dự án chế tạo xe tự hành của tập đoàn công nghệ Baidu.
Daimler, công ty mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz, mở rộng một hợp đồng nghiên cứu về xe tự động với Đại học Thanh Hoa.
“Trung Quốc là một thị trường lớn của chúng tôi. Khi chúng tôi chuyển sang chế tạo xe tự hành, chúng tôi phải chắc chắn rằng nó hoạt động được tại Trung Quốc.”, Dieter Zetsche, CEO của Daimler, phát biểu tại Hong Kong.
Tập đoàn cung cấp linh kiện ôtô Continental của Đức cũng vừa kí kết một thỏa thuận hợp tác với một đối thủ của Uber là Didi Chuxing để phát triển xe tự hành và chạy điện.
Một tuyên bố mới đây của Trung Quốc cho biết nước này sẽ nới lỏng các điều luật về công ty liên doanh - cho phép các tập đoàn nước ngoài hoạt động độc lập hơn tại Trung Quốc – đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà điều hành các công ty sản xuất ôtô nước ngoài, bao gồm Elon Musk, CEO của Tesla.
Năm 2017, Tesla đã cho biết công ty này đang trong quá trình đàm phán với chính quyền thành phố Thượng Hải về việc xây dựng một nhà máy. Hôm 10/7, Tesla khẳng định đã đạt được một thỏa thuận để xây nhà máy và sẽ mất khoảng hai năm để nhà máy này đi vào sản xuất.
Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu trong sử dụng ôtô chạy điện khi chính phủ nước này cố gắng giảm mức độ ô nhiễm và phát triển lĩnh vực công nghệ.
Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một luật mới vào năm 2019, yêu cầu các nhà sản xuất ôtô phải dành một phần lớn sản lượng cho việc sản xuất ôtô chạy điện và ôtô hỗn hợp hybrid.
“Một chương trình bắt buộc sử dụng phương tiện chạy điện chắc chắn sẽ tạo ra thị trường cho loại phương tiện này. Ở các nơi khác, người dùng có quyền lựa chọn nên tiến triển đang và sẽ chậm hơn Trung Quốc”, Al Bedwell, giám đốc LMC Automotive, cho biết.
Bedwell nói rằng các nhà sản xuất nước ngoài “quyết không để bị tụt lại phía sau khi Trung Quốc tiến mạnh đến việc chuyển sang các phương tiện chạy điện”.
Bắc Kinh cũng hỗ trợ các công ty quốc tế muốn phát triển công nghệ lái tự động. Tuần trước Daimler đã tuyên bố họ là công ty đầu tiên được cấp phép thử nghiệm xe tự vận hành trên các đường phố của Bắc Kinh.
Tim Urquhart, một nhà phân tích ôtô tại công ty HIS Markit cho biết Trung Quốc hiện vẫn chưa phải là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đang cố hết sức ủng hộ với hy vọng sẽ làm giảm tình trạng kẹt xe tại các thành phố lớn.