Trung Quốc đối mặt cú sốc kinh tế thứ hai từ Covid-19

Theo Trọng Đại/ndh.vn

Sau khi thoát khỏi cú sốc nguồn cung, khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, Trung Quốc đang chuẩn bị đón cú sốc thứ hai về lực cầu.

Các nhà máy, xí nghiệp trên toàn Trung Quốc đang nỗ lực quay trở lại hoạt động với mức công suất tiệm cận so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Ảnh: CNBC.
Các nhà máy, xí nghiệp trên toàn Trung Quốc đang nỗ lực quay trở lại hoạt động với mức công suất tiệm cận so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Ảnh: CNBC.

Cuối tháng 2, các lãnh đạo tại một công ty chuyên sản xuất đường ống công nghiệp tại Trung Quốc tỏ ra khá lo lắng khi số lượng đơn hàng trong nước giảm nghiêm trọng. Thực trạng này vốn bị gây ra bởi sự đình trệ trong hoạt động sản xuất cũng như các hoạt động bán lẻ, tạo ra ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Nhưng chưa đầy 1 tháng sau, khi các đơn hàng nội địa đang ngày một tăng lên, các nhà máy, xí nghiệp trên toàn Trung Quốc đang nỗ lực quay trở lại hoạt động với mức công suất tiệm cận so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Thế nhưng, Rifeng Enterprise Group giờ đây lại có những mối lo mới.

Sự đình trệ của nền kinh tế, vốn đã phủ bóng lên Trung Quốc chưa lâu trước đó, giờ đây "lặp lại" tại nhiều khu vực trên thế giới. Các quốc gia đang nỗ lực để có thể khống chế đà lan nhanh của dịch bệnh, vốn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi quay trở lại sản xuất với công suất tối đa để đáp ứng các đơn hàng từ ngước ngoài, nhưng không may thay, nhiều thị trường đã đóng cửa, hoặc sắp đóng cửa", theo Jason Cheng - Giám đốc điều hành các thị trường nước ngoài của Rifeng. Ông cho biết các khách hàng tại Pháp, Italia và Mỹ đã đưa ra những lời đề nghị lùi thời hạn thanh toán, hoặc thậm chí là hủy đơn hàng.

"Chúng tôi đã trải qua tình huống này trong năm 2008 và 2009, khi doanh thu từ các thị trường nước ngoài chỉ bằng một nửa so với những năm trước đó", Cheng cho biết. "Một câu chuyện tương tự sẽ xảy ra, tôi chắc chắn đấy".

Nhiều công ty tại Trung Quốc đang phải gồng mình chống chọi với làn sóng ảnh hưởng kinh tế thứ 2 của Covid-19, vốn đã gây ra sự đình trệ cho nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm nay.

Cú sốc nguồn cung để lại những hệ quả tiêu cực cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học giờ đây lại lo ngại một cú sốc khác về cả lực cung lẫn lực cầu có thể sẽ "nhấn chìm" nền kinh tế trong một vài tháng tới.

Với tình hình dịch bệnh đang lây lan rộng khắp, lực cầu đến từ nước ngoài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tổng giá trị xuất khẩu, vốn chiếm đến 20% giá trị nền kinh tế, cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2. Các chuyên gia phân tích cho biết tình hình có thể diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.

"Khi ngày càng nhiều quốc gia phải đối mặt với dịch bệnh và các thị trường tài chính toàn cầu cũng trên đà đi xuống, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn với các quyết định, qua đó làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, ngay khi nền kinh tế quốc gia này đang rục rịch hoạt động trở lại", theo các nhà kinh tế học từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ví dụ, tình trạng hiện tại ở Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. Điều này khiến cho các nhà kinh tế học từ Morgan Stanley buộc phải thay đổi dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới trong quý II năm nay từ -4% xuống mức thấp kỷ lục -30,1%, chỉ trong vòng 1 tuần lễ. Tỷ lệ thất nghiệp, sẽ ở mức trung bình 12,8%, và nhu cầu mua sắm cũng sẽ giảm 31%.

Stanley Szeto thường xuyên phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau nhưng lãnh đạo của công ty sản xuất hàng may mặc cao cấp Lever Style này buộc phải hạn chế di chuyển trong nhiều tháng liền, bởi dịch Covid-19 khiến ông không thể thực hiện các chuyến thăm tới khách hàng và các nhà máy sản xuất. Tại Hồng Kông, ông tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng của một cú sốc kinh tế lên doanh nghiệp.

Với các nhà máy tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều khu vực khác tại châu Á, Lever Style đang cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu như Hugo Boss, Ted Baker, Fila và All Saints. Nhưng nhiều người dân tại các quốc gia phương Tây đang dừng mọi hoạt động mua sắn, các đơn hàng của công ty vì thế cũng đã giảm nhiều.

"Hiện tại chúng tôi chỉ sản xuất ở mức 70% đến 90% công suất, nhưng đó cũng là quá nhiều rồi vì các đơn hàng ngày một giảm", Szeto chia sẻ. "Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thời trang, may mặc nhưng rất nhiều các khách hàng của chúng tôi đã phải cho đóng cửa các cửa hàng".

Những thương hiệu như Adidas, Nike, Lululemon Athletica và Under Armour đều thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng tại châu Âu, Mỹ, và ngay cả những cửa hàng tại Trung Quốc, dù nước này đã có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, các khách hàng của Szeto đã tăng cường lượng đơn đặt hàng vì họ e ngại về một sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tình hình hiện giờ đã hoàn toàn thay đổi.

"Họ tỏ ra khá lo lắng. Họ nói họ cần nguồn cung hàng hóa và lo sợ về sự đình trệ đến từ Trung Quốc", ông cho biết. "Nhưng chỉ trong vòng 1 tuần, mọi thứ đã xoay chuyển 180 độ. Họ nói rằng họ không cần nữa, và có thể sẽ hủy các đơn hàng. Trớ trêu thay, trong khi bên cung cấp đang hồi phục và vận hành trở lại thì lực cầu lại giảm sút".

Trung Quốc đối mặt cú sốc kinh tế thứ hai từ Covid-19 - Ảnh 1

Doanh số bán lẻ hàng tháng ở Trung Quốc.

 

Tiếp theo là câu chuyện về lực cầu nội địa. Sự thật rằng có rất nhiều các công ty phá sản là điều có thể dự đoán trước khi dịch bệnh nổ, khiến cho nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ trong hàng tuần lễ. Khoảng 100 công ty bất động sản nộp đơn phá sản trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, theo thông tin từ Bloomberg.

Hôm 16/3, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đã tăng lên 6,2%, tương đương với đó là khoảng 5 triệu người sẽ không có việc làm. Con số này chưa bao gồm những lao động nhập cư, những người chưa thể quay trở lại làm việc, và những người không ký hợp đồng chính thức với các doanh nghiệp.

Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến cho bộ phận người lao động nhập cư mất đi khoảng 115 tỷ USD tiền lương. Con số đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vì những người lao động đó khó có thể bù đắp lại khoản thâm hụt đó cho dù họ tìm được những công việc mới. Những mối quan hệ qua lại lẫn nhau như trên sẽ ảnh hưởng lớn lên lực cầu nội địa giữa bối cảnh doanh thu từ ngành bán lẻ đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm.

"Tôi đặt ra nghi vấn rằng nguồn cung sẽ có sự phục hồi nhanh chóng, nhưng lực cầu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, và thực trạng này cũng sẽ khiến ngay cả những người có thu nhập không bị ảnh hưởng trong thời gian này cũng sẽ có tâm lý tiết kiệm hơn", theo Michael Pettis - giáo sư tài chính tại Peking University.

Biggi Stefansson - ông chủ của IS Seafood, một nhà phân phối hải sản nhập khẩu từ Iceland cho biết doanh thu của công ty đã sụt giảm đến 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện trong tháng 3, nhưng sư sụt giảm doanh thu sẽ vẫn ở mức 80%. Ngay cả trong tháng 4, ông ước tính doanh thu của tháng đó sẽ chỉ bằng 50% so với năm 2019.

"Điều này là do nhiều người muốn ra ngoài, nhưng họ sợ. Đó là một phản ứng mới, và phải cần thời gian để mọi người có thể trở lại cuộc sống trước đây". Stefansson cho biết.

Tình hình tương tự cũng được nhìn thấy tại Bắc Kinh, khi nhà cung cấp và phân phối thịt USource đã mất đi khoảng 90% doanh thu trong tháng 2. Trong tháng 3, công ty cũng được dự đoán hoạt động với nguồn doanh thu sụt giảm xuống còn 50% so với cùng kỳ năm 2019.

"Lực cầu đang tăng trưởng rất chậm. Nhưng tuần này đã tốt hơn trước. Không ai còn dám mơ về tăng trưởng trong năm nay nữa", theo William Kerins, người đang điều hành công ty với vợ, bà Danielle Yang.

Kerins tỏ ra khá tự tin rằng lực cầu sẽ hồi phục nhưng ông cho biết điều đó chỉ xảy đối với phân khúc ăn uống bình dân. Còn đối với phân khúc xa xỉ, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

"Không ai đặt hàng những món ăn đắt đỏ rồi ngồi ăn trên sofa cả. Phân khúc thực phẩm cao cấp sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn là so với những cửa hàng bán đồ ăn bình dân thông thường".

Tâm lý này đã được chỉ rõ trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Rong360.com. Qua đó, theo kết quả của cuộc khảo sát, có đến 64,4% số người được hỏi cho biết họ sẽ kiềm chế chi tiêu sau khi dịch bệnh đi qua, và có đến 31,4% người được hỏi cho biết sẽ không tăng chi tiêu sau dịch bệnh.

"Từ những gì chúng tôi nhìn thấy, niền tin của người tiêu dùng đang tăng lên nhưng chưa đạt đến ngưỡng trước dịch bệnh, theo Josh Gardner - nhà sáng lập Kung Fu Data. Ông cũng bổ sung rằng hình thức thương mại điện tử sẽ phát triển tốt hơn so với các cửa hàng truyền thống, nhất là các dịch vụ đặt đồ ăn, dược phẩm và thiết bị thể dục, thể thao trong nhà.

Phần lớn các nhà kinh tế học dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong quý I này, lần đầu tiên kể từ năm 1976, khi cuộc cách mạng văn hóa chấm dứt. Một cuộc suy thoái toàn cầu là điều khó tránh khỏi, với việc virus Covid-19 đang lan rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới, lời đe dọa với nền kinh tế Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu dịu đi.

"Đây thực sự là một cú sốc lớn, là suy thoái kinh tế", theo Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế học trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis. "Trung Quốc bây giờ đã rất khác, và thế giới cùng vậy".

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn kéo dài phía trước nhưng chính phủ quốc gia này có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.