Trung Quốc không kích thích mạnh tiền tệ

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

NHTW Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp kích thích tiền tệ mạnh khiến thanh khoản “ngập lụt” vào năm tới, mặc dù họ sẽ xem xét cắt giảm nhiều hơn tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nếu thấy cần thiết.

NHTW Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp kích thích tiền tệ mạnh khiến thanh khoản “ngập lụt” vào năm tới. Nguồn: internet
NHTW Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp kích thích tiền tệ mạnh khiến thanh khoản “ngập lụt” vào năm tới. Nguồn: internet

“Chính sách tiền tệ sẽ vẫn thận trọng và sẽ không phải là một “trận lụt”. Nếu không, tiền có thể sẽ chảy vào lĩnh vực bất động sản một lần nữa”, tờ 21st Century Business Herald của Trung Quốc dẫn lời Sheng Songcheng - một cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết hôm thứ Ba (25/12) với hàm ý PBoC sẽ không mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế như một số NHTW lớn trên thế giới đã từng triển khai để chống lại suy thoái.

Theo vị chuyên gia này, NHTW Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp kích thích tiền tệ mạnh khiến thanh khoản “ngập lụt” vào năm tới, mặc dù họ sẽ xem xét cắt giảm nhiều hơn tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nếu thấy cần thiết.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực giảm tốc mạnh hơn trong năm 2019, Sheng Songcheng cho biết. Để vực dậy đà tăng trưởng, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp chính sách trong năm nay, bao gồm 4 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy các ngân hàng cho vay, cùng với các biện pháp giảm thuế và phí xuống thấp hơn và tập trung đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng sớm hoàn thành.

Cuối tuần trước PBoC cũng đã tung ra một công cụ cho vay trung hạn mới với tên gọi Targeted Medium-term Lending Facility và sẽ áp dụng cho các ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu cũng như có tiềm năng tăng cung tín dụng cho các công ty nhỏ. Lãi suất của công cụ này chỉ là 3,15%, thấp hơn so với lãi suất của công cụ cho vay trung hạn hiện nay, công cụ vốn có thời gian đáo hạn ngắn hơn.

“Đây là động thái cắt giảm lãi suất một cách kín đáo để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ”, Larry Hu, một nhà kinh tế của Macquarie Securities Ltd nói. “Trung Quốc rõ ràng đang dần gia tăng các biện pháp nới lỏng”.

Chưa dừng lại ở đó, hôm thứ Hai (24/12), Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết sau một cuộc họp thường kỳ rằng nước này sẽ tiếp tục cải thiện các chính sách hướng tới việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, song song với việc giảm thuế mạnh hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, PBoC vẫn chưa thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản, việc làm được đánh giá là sẽ làm suy yếu các nỗ lực của chính họ trong việc kiềm chế tỷ lệ đòn bẩy nợ của nước này. Việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ gây áp lực giảm giá cho đồng nhân dân tệ, từ đó có thể khiến dòng vốn chảy ra mạnh hơn. Ngoài ra các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ ra thận trọng với việc nới lỏng tín dụng trên diện rộng, lo ngại rằng các nhà đầu cơ bất động sản sẽ sử dụng sự hỗ trợ này để đẩy tăng giá bất động sản vốn đã tăng cao của Trung Quốc.

Nhưng vẫn còn dư địa để cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, mặc dù Sheng không khuyến nghị giảm lãi suất chính sách, tờ 21st Century Business Herald cho biết. Trong một bài bình luận vào thứ ba, Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đã viết rằng PBoC có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 3 lần vào năm tới để thúc đẩy cho vay.

Sheng cũng cho biết, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện chính sách tài khóa chủ động vào năm 2019, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách của chính phủ có khả năng tăng lên 3% từ mức 2,6% của năm nay.

Về tỷ giá hối đoái, vị cố vấn của PBoC cho biết, Trung Quốc nên bảo vệ đồng nhân dân tệ ở mức 7 (nhân dân tệ/USD). “Đây là ngưỡng rất quan trọng. Nếu đồng nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng giá này, chi phí để ổn định tỷ giá sẽ lớn hơn rất nhiều”, tờ 21st Century Business Herald dẫn lời Sheng cho biết.

Trước đó hồi tháng 10, các nguồn có kiến thức về quy trình chính sách đã nói với Reuters rằng Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để ngăn chặn đồng nhân dân tệ không vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 7 nhân dân tệ/USD, bởi điều đó có thể gây ra rủi ro đầu cơ và khiến dòng vốn chảy mạnh ra khỏi nước này.

Trong phiên giao dịch hôm 25/12, tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ so với USD trên thị trường nội địa có thời điểm đã tăng lên 6,8755 nhân dân tệ/USD – mức cao nhất kể từ ngày 13/12. Còn trên thị trường nước ngoài, đồng nội tệ của Trung Quốc cũng tăng 214 điểm cơ bản lên 6,877 nhân dân tệ/USD. Nguyên nhân chủ yếu khiến nhân dân tệ tăng giá là đồng USD sụt giảm mạnh do lo ngại Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa vì hết tiền và mối bất hòa hiện nay giữa Nhà Trắng với Fed.

Được biết, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng thêm 9 tỷ USD trong tháng 11 lên 3,062 nghìn tỷ USD. Đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 7, kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không bị vơi đi. Trong tháng 10, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã bị bốc hơi 33,93 tỷ USD. Hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia sở hữu dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới và họ có thể sử dụng vũ khí này để nâng đỡ cho đồng nội tệ.