Trung Quốc không muốn làm nền kinh tế lớn nhất thế giới
(Tài chính) Bắc Kinh vừa muốn lật đổ ngai vàng của Mỹ, nhưng đồng thời cũng hiểu rất rõ những nghĩa vụ và rủi ro đi kèm với vị trí này.
Có rất ít quốc gia muốn chối bỏ danh hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc là một trong số đó.
Năm 1872, Mỹ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và đã tận hưởng quyền lực mà vị trí này đem lại suốt hơn 140 năm qua. Tuy nhiên, tuần trước, một báo cáo của Tổ chức So sánh Quốc tế (ICP), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Trung Quốc có thể sẽ soán ngôi Mỹ trong năm nay.
Theo báo cáo, năm 2011, tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), nền kinh tế Trung Quốc có quy mô 13.500 tỷ USD. Giai đoạn 2011 - 2014, số liệu này sẽ tăng trưởng 24%. Trong khi đó, Mỹ chỉ tăng 7,6%. Vì vậy, đến năm 2014, GDP Trung Quốc sẽ là 16.700 tỷ USD, nhỉnh hơn 100 tỷ USD so với Mỹ.
Trước khi báo cáo này được công bố, phần lớn các nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm 2019. Số liệu của WB sớm hơn 5 năm, chủ yếu do khủng hoảng tài chính khiến Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi Trung Quốc bị tác động không đáng kể.
Tuy nhiên, thay vì tự hào về vị trí số một thế giới, phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh lại là cố bác bỏ kết quả báo cáo của WB và ngăn giới truyền thông trong nước đưa tin về việc này. Tổng Cục thống kê Trung Quốc cho rằng phương pháp nghiên cứu của báo cáo đã "bộc lộ sự hạn chế" và không đồng ý công bố kết quả tại đây.
Nếu chỉ nhìn bề mặt, phản ứng này tương đối khó hiểu. Danh hiệu nền kinh tế số một thế giới sẽ giúp củng cố tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về việc đem lại thịnh vượng và sự tôn trọng của quốc tế. Bên cạnh đó, bằng việc chỉ ra vai trò mạnh lên không thế chối cãi của Trung Quốc và sự xuống dốc của Mỹ, Bắc Kinh cũng đã đạt được những thành công đáng kể trong việc thay đổi vị thế kinh tế và chính trị trên thế giới, đặc biệt tại châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông.
Theo CNN, Trung Quốc có hai cảm xúc rất mâu thuẫn. Họ vừa muốn lật đổ ngai vàng của Mỹ, nhưng đồng thời cũng hiểu rõ những nghĩa vụ đi kèm với vị trí này. Ví dụ, Trung Quốc có thể sẽ được kêu gọi đóng góp nhiều hơn cho viện trợ quốc tế và ngân sách Liên hợp quốc. Đáng ngại hơn cả là vai trò mới có thể làm giảm vị thế đàm phán của họ trong các cuộc bàn thảo về biến đổi khí hậu. Bắc Kinh sẽ khó có thể việc cớ như hiện tại, rằng họ vẫn là một nước phát triển và chưa phải gánh chi phí giảm khí thải nhà kính.
Bên cạnh đó, về góc độ địa chính trị, rủi ro từ vị trí số một cũng rất lớn. Mỹ và các nước đồng minh sẽ tìm cách cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Vì kinh tế nước này chưa bằng một nửa phương Tây (gồm cả Nhật bản), họ sẽ khó đối đầu với khối chống Trung Quốc trong tương lai.
Còn với trong nước, Bắc Kinh hiểu quá rõ báo cáo của World Bank chỉ là các con số. Nó sẽ chẳng thể thay đổi được gì cuộc sống của người dân Trung Quốc. Họ sẽ không cảm thấy đột nhiên giàu lên, hay biết ơn Chính phủ, khi thu nhập tăng hơn 40% nhờ chuyển sang phương pháp PPP. Phản ứng dễ xảy ra nhất là người dân đòi hỏi tăng chi cho dịch vụ xã hội và môi trường.
Còn với các doanh nghiệp, báo cáo này chỉ mang tính học thuật. Họ chỉ quan tâm đến hai điều. Thứ nhất là thu nhập bình quân đầu người. Về mặt này, kể cả tính theo PPP, Trung Quốc cũng chỉ bằng một phần năm của Mỹ. Điều này có nghĩa dù quy mô thị trường Trung Quốc lớn, sức tiêu thụ cũng vẫn còn thấp trong hàng thập kỷ nữa. Yếu tố thứ hai là tính cạnh tranh, gồm các điều kiện thể chế chính trị, công nghệ, đột phá và sự phát triển ngành tài chính. Ở mặt này, một lần nữa, Trung Quốc dù có tiến xa suốt 3 thập kỷ qua, thì vẫn còn kém Mỹ rất nhiều.