Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Hà Nội


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP. Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD và quốc gia này là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Hà Nội.

 Hình ảnh phiên thảo luận toàn thể tại hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ 10. Ảnh: PV.
Hình ảnh phiên thảo luận toàn thể tại hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ 10. Ảnh: PV.

Ngày 13/11, tại phiên thảo luận về đầu tư, phương mại trong hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ 10, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã có bài tham luận về chủ đề “Hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, trong những năm qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì được sự tăng trưởng.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội là 344.313 tỷ đồng, đạt 97,6% dự toán (tăng 16,8% so với cùng kỳ); tổng chi ngân sách là 65.636 tỷ đồng, đạt 62,5% dự toán đầu năm (tăng 18,9%).

Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 10/2023 đạt 4.902 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2% so với thời điểm 31/12/2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 628,207 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 28,8%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 8,7%).

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.819 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 30.600 triệu USD (khu vực kinh tế trong nước đạt 25.332 triệu USD, khu vực có vốn nước ngoài ước đạt 5.268 triệu USD).

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), lãnh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có của Thủ đô.

Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Vị lãnh đạo này cho hay, lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt khoảng 62,6 tỷ USD (đứng thứ 2 toàn quốc); 2.085 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 11,6 tỷ USD; 5191 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 22,3 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản (31,01%), tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (29,67%); thương mại, dịch vụ (22,54%); xây dựng và khoa học công nghệ (5%); còn lại là các ngành khác.

Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội tăng trưởng vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 26,5 tỷ USD và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm liền 2018 - 2019.

Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thị trường thế giới đối mặt những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, tổng thu hút vốn FDI của Hà Nội năm 2020 vẫn đạt 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc.

Đến năm 2021, do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nên việc thu hút FDI giảm mạnh, với số vốn thu hút đạt 1,524 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Tính chung 10 tháng năm 2023, toàn thành phố thu hút 2,607 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 346 dự án với số vốn đạt 321 triệu USD; 141 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 242 triệu USD; 274 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.044 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Về hợp tác đầu tư giữa TP. Hà Nội với Trung Quốc, lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP. Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 về các quốc gia lớn đầu tư tại TP. Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, TP. Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Theo Quang Tuyền/nhadautu.vn