Hà Nội: Nhiều dự án trọng điểm triển khai 10 năm làm chưa xong
Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội chỉ ra rất nhiều dự án dù dùng vốn ngân sách Nhà nước triển khai từ 9 - 11 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Loạt dự án bất động
Theo đoàn giám sát số 1 của HĐND TP. Hà Nội, nổi cộm trong số này là Dự án xây dựng đường hành lang chân đê tuyến đê Hữu Đà, Hữu Hồng (huyện Ba Vì) là dự án nhóm B khởi công từ năm 2012 đến nay là 11 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) là dự án nhóm B cũng khởi công từ năm 2014 đến nay là 9 năm mới đang phấn đấu để hoàn thành...
Dự án cải tạo thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm) là dự án nhóm C triển khai từ năm 2012 đến nay là 11 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Được triển khai hơn 11 năm nay thế nhưng dự án cải tạo, thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thành đúng hạn. Dự án dài khoảng 5.451m, nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Việc triển khai dự án nhằm bảo đảm tiêu thoát nước trong khu dân cư, hỗ trợ công tác tưới, tiêu, phòng chống úng ngập cho khoảng 4.600ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm.
Dự án cải tạo thoát nước sông Pheo được UBND TP. Hà Nội phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 5668/QĐ-UBND. Đến ngày 27.2.2012, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt lại dự án với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2012 - 2014.
Tương tự, dù đã hoàn thiện 93% nhưng Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) có mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, sau 7 năm thi công vẫn khó về đích trong năm 2023. Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công tháng 10.2016, có tổng diện tích 13,8ha, đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.
Cũng đang ì ạch triển khai, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP. Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được khởi công vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỉ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1.2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, có công suất 120m3/giây, công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội.
Trạm bơm có nhiệm vụ tiêu nước cho hơn 6.000ha nông nghiệp, tuy nhiên, từ khi trạm bơm hoàn thành, khu vực phía Tây TP. Hà Nội bao gồm các quận, huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng do đoạn kênh La Khê đến nay vẫn còn thi công dở dang.
Xử lý nghiêm dự án chậm tiến độ 10 - 20 năm
Trong khi đó, quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.
Bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội - thông tin, việc triển khai các dự án của Ban Quản lý còn chậm so với yêu cầu, chậm so với mặt bằng chung của TP. Hà Nội. Thậm chí, theo bà Hà, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng báo cáo của Ban Quản lý chưa thẳng thắn, chưa đánh giá được hết tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, chưa thể hiện được quyết tâm, quyết liệt trong đôn đốc, phối hợp với địa phương để giải quyết, thúc đẩy tiến độ thi công.
Đề cập về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhận định, những dự án chậm tiến độ không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, chính quyền các cấp cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai, có biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ, bỏ hoang từ 10 - 20 năm, siết chặt chế tài và thực thi một cách minh bạch, công bằng, công khai các dự án chậm triển khai đang trong diện xử lý để toàn thể người dân có thể cùng theo dõi, giám sát.