Trung Quốc lập rào “chặn” xuất khẩu Việt Nam

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng rào cản đối với tất cả các ngành hàng như nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến xuất khẩu của Việt Nam lao đao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc XK hàng sang Trung Quốc.

Theo đó, VASEP cho biết thời gian qua, Trung Quốc đã giảm khối lượng nhập khẩu (NK), đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, khoai mì (sắn), dăm gỗ...

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam và đã đóng một số cửa khẩu thông thương với Việt Nam.

Nông dân “lãnh đủ”

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường XK nông - lâm - thủy sản chính của Việt Nam. Vì thế, khi Trung Quốc “ra đòn” giảm nhập, siết XK tiểu ngạch và tăng cường rào cản với một số mặt hàng nông sản Việt như gạo, sắn, dăm gỗ... khiến các mặt hàng này liên tục gặp khó trong khi XK.

Thời gian gần đây, người nông dân lao đao vì cá tra quá lứa chỉ bán được ở mức giá 16.000 - 17.000 đồng/kg; lợn hơi tại các tỉnh phía Nam từ tháng 7 đến nay giảm mạnh 10.000 - 12.000 đồng/kg so với đầu năm, hiện chỉ dao động 42.000 - 44.000 đồng/kg heo hơi là do Trung Quốc hạn chế NK.

Đáng nói, tình trạng này đã được cảnh báo từ trước, nhưng do hiện nay, người nông dân vẫn có thói quen sản xuất và mua bán bằng “miệng” thay vì phải ký hợp đồng, nên khi nước này giảm khối lượng, người nông dân sẽ “lãnh đủ”.

Theo VASEP, trước đây, chỉ cần có tên trong danh sách XK sang Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản có thể xuất sang thị trường này. Nhưng nay, Trung Quốc yêu cầu các nhà máy chế biến phải có code và sản phẩm phải có Chứng nhận y tế (H/C) của Việt Nam đối với các lô hàng NK. Điều này khiến doanh nghiệp Trung Quốc đã hạn chế mua hoặc không mua thủy sản tiểu ngạch từ Việt Nam.

Với mặt hàng gạo, Trung Quốc đã gửi Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc XK gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc từ tháng 9, nay lại được rời sang tháng 11. Nhưng hiện vẫn chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận.

Đa dạng hóa thị trường

Đối với mặt hàng sắn, ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho biết hai tháng nay, Trung Quốc đã đóng cửa khẩu mậu dịch, khiến mặt hàng này đang dồn ứ cao. “Có điều lạ là chất lượng sắn ở các nước khác tương tự như sắn của Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc lại tăng mua, còn hạn chế nhập của ta”, ông Tiến thắc mắc.

Theo VASEP, hiện Trung Quốc là thị trường đứng vị trí thứ 4 về giá trị XK thủy sản của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Hơn nữa, họ không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt, XK tiểu ngạch sang khá dễ dàng. Song, nếu cứ làm theo đà như hiện tại thì rất bị động, bởi chỉ cần họ siết chặt nhập tiểu ngạch, tăng rào cản kỹ thuật thì hàng Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó.

Vì vậy, VASEP kiến nghị cơ quan chức năng cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính. Đồng thời đề nghị cơ quan Việt Nam kiến nghị Trung Quốc mở rộng danh mục sản phẩm thủy sản được phép NK từ Việt Nam.

Nhiều chuyên gia và hiệp hội đều có chung nhận định rằng rất nhiều mặt hàng XK của nước ta ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, trong đó có mặt hàng chiếm tới hơn 85% như sắn. Điều này dẫn đến việc bị động, lúng túng khi Trung Quốc giảm mua hoặc siết chặt XK.

Chính vì vậy, thay vì việc chỉ chú trọng tới thị trường Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm để đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội để giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường này. Bởi Trung Quốc là thị trường lớn của hàng Việt, nhưng lâu nay, họ không đặt yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Điều này khiến nông dân, doanh nghiệp Việt cũng “dễ dãi” theo, tức sản xuất ra sản phẩm chất lượng không cao, khó cạnh tranh, khó XK vào các thị trường khó tính.

GS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp, cho rằng đừng nên xem việc Trung Quốc giảm mua hàng Việt là một thảm họa, mà hãy nhìn theo hướng mở. “Điều cần quan tâm nhất đối với nông sản Việt là đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng sản phẩm. Vì hiện nay, cơ hội đa dạng hóa thị trường rất lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do”, GS. Xuân nói.

Thực tế trước đây, XK rau quả Việt Nam cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay, thị trường mở rộng sang các nước Nhật Bản, Mỹ và châu Âu… Nhờ đó, nhiều loại trái cây là thế mạnh của Việt Nam như chôm chôm, thanh long, nhãn, vải, xoài đang dần tăng sản lượng XK vào những thị trường này