Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, chứng khoán Mỹ tụt dốc

Theo daibieunhandan.vn

Quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD đã khiến các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ đồng loạt “trượt” giá khá mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các chuyên gia nhận định, quyết định bất ngờ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 11.8 đã đẩy tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và đồng USD xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua. Mức phá giá này được coi là mạnh nhất của Chính phủ Trung Quốc trong hai thập kỷ, đã và đang có những tác động mạnh tới thị trường tài chính thế giới. Quyết định trên cũng gây ra lo ngại của các nhà đầu tư về viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Một số chuyên gia cho rằng, bước đi bất ngờ ngày 11.8 của Trung Quốc có thể mở đầu cho giai đoạn “trượt dài” của tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và đồng USD cũng như các ngoại tệ mạnh khác.

Mỹ đã ngay lập tức cảnh báo Trung Quốc không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục giám sát cũng như hối thúc Trung Quốc tiến hành những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn, đồng thời cảnh báo mọi động thái đi ngược lại các biện pháp cải cách sẽ là một diễn biến “tiêu cực”.

Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT, cho rằng động thái này là nhằm đạt được ưu thế xuất khẩu. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley và Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ Sander Levin đã đề xuất đưa điều khoản về các biện pháp chống hành vi thao túng thị trường vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 đối tác khác đang tham gia đàm phán.

Trong diễn biến liên quan, giá vàng thế giới ngày 11.8 đã leo lên mức cao nhất của ba tuần trong bối cảnh chứng khoán thế giới giảm điểm trước thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, để thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên mức 1.108,66 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại này đã có lúc vọt lên 1.119 USD/ounce, mức cao kỷ lục trong ba tuần qua. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12.2015 cũng nhích 0,3% lên 1.107,70 USD/ounce.

Chuyên gia phân tích Matthew Turner thuộc Hãng cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính Macquarie nhận định: giá vàng đang được hưởng lợi nhờ những quan ngại về nguy cơ một “cuộc chiến tiền tệ mới” sẽ làm gia tăng những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong thời gian trung đến dài hạn, lực đẩy đó sẽ không thể kéo dài do cuộc chiến này có thể tạo ra sự phá giá đồng loạt trên toàn cầu. Đồng thời, với việc đồng NDT suy yếu so với đồng USD, vàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với giới đầu tư Trung Quốc.

Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, động thái điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng NDT sẽ gần như không gây ảnh hưởng nhiều đến dự định tăng lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). David Meger, Giám đốc High Ridge Futures cho hay, việc FED có thể lùi thời gian tăng lãi suất trong tháng 9 tới sẽ là một nhân tố tích cực đối với thị trường vàng.

Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 11.8, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn của Mỹ bị mất giá 212,33 điểm, tương đương với 1,21%, và chốt phiên ở mức 17.402,84 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite và chỉ số Standard & Poor 500 cũng lần lượt bị mất giá 1,27% và 0,96% xuống còn 5.036,79 điểm và 2.084,07 điểm.