Trung Quốc phá giá nội tệ khiến nhiều đồng tiền châu Á lao dốc

Theo kinhtevadubao.vn

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ xuống gần 2% trong sáng nay, đây được coi là mức giảm mạnh nhất của đồng Nhân dân tệ kể từ tháng 1/1994 đến nay.

 Việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ là cú sốc đối với nhiều quốc gia và các doanh nghiệp. Nguồn: internet
Việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ là cú sốc đối với nhiều quốc gia và các doanh nghiệp. Nguồn: internet

Phá giá để cải thiện xuất khẩu

Sáng nay 11/8, PBoC đã ấn định tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ từ 6,1162 Nhân dân tệ/1 USD của ngày 10/8 tăng lên 6,2298 Nhân dân tệ/1 USD trong sáng nay. PBoC cho biết, việc giảm 1,9% này sẽ giúp tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường hơn.

Theo PboC, sự điều chỉnh này là lần duy nhất. Ngân hàng trung ương có kế hoạch để đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức giá “hợp lý” và sẽ để cho thị trường có vai trò lớn hơn nữa trong việc xác định tỷ giá.Động thái này chấm dứt đợt neo giá Nhân dân tệ vào Đô la Mỹ được áp dụng kể từ tháng 3 tới nay.

PboC đã và đang hỗ trợ đồng Nhân dân tệ nhằm ngăn luồng vốn chảy ra, khuyến khích việc sử dụng đồng nội tệ trên toàn cầu trong bối cảnh giới chức Trung Quốc cũng nỗ lực đưa Nhân dân tệ vào giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Việc can thiệp đã làm hao hụt 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, khiến Nhân dân tệ trở thành đồng tiền diễn biến tốt nhất trong số các nội tệ của thị trường mới nổi. Song các biện pháp đó lại làm xói mòn sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Tom Orlik ở Bloomberg Intelligence nhận định trong một bài viết rằng, hiện tại Trung Quốc phải cân bằng giữa nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu và nguy cơ tiền mặt chảy ra. Theo ước tính của Orlik, cứ mỗi 1% trên tỷ giá thực của Nhân dân tệ giảm xuống, xuất khẩu nước này sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm. Cũng với 1% giảm giá trên tỷ giá thực của Nhân dân tệ, sẽ có 40 tỉ USD luồng vốn chảy ra.

“Nguy cơ của việc hạ giá đồng tiền là nó sẽ dẫn đến thoái vốn, gây ra một đòn giáng mạnh vào sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc”, Orlik viết. Tuy vậy, có thể các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng với 3.690 tỉ USD dự trữ ngoại hối, họ có thể kiểm soát các rủi ro.

Hồi tháng trước, ngoài kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% - chủ yếu do sức mua từ 3 thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản kém đi, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tiếp tục trượt dốc, làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất trong nước. Vì vậy, chuyên gia kinh tế Guo Lei, đến từ Công ty Founder Securities, cũng nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng biện pháp kể trên nhằm giảm bớt áp lực về hiệu suất xuất khẩu yếu kém của Trung Quốc trong những tháng gần đây và giảm bớt áp lực lạm phát do nhập khẩu”.

Nhiều đồng tiền châu Á lao dốc

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá nội tệhôm nay đã khiến các đồng tiền của Australia, Hàn Quốc và Singapore… giảm ít nhất 1%. Trong đó, Baht Thái Lan xuống thấp nhất 6 năm, Đô la Singapore thấp nhất 5 năm. Đồng Peso của Philippines cũng xuống thấp nhất 5 năm, trong khi Rupiah của Indonesia và Ringgit của Malaysia được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Bên cạnh đó, chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong khi chỉ số theo dõi hàng hóa giảm 0,8%. Chỉ số MSCI All Country World Index giảm 0,2%. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg giảm 0,6% sau khi tăng 2,4% trong phiên hôm qua.