Đằng sau việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Trung Quốc vừa bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) với mức giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây, chấm dứt đợt “neo” NDT vào USD không chính thức, được áp dụng kể từ tháng 3. Dưới con mắt của các chuyên gia, đây là động thái có tính toán, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và thị trường chứng khoán của nước này có nhiều biến động thời gian gần đây.
Ngày 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo giảm kỷ lục gần 2% đối với tỷ giá tham chiếu hằng ngày của đồng NDT đối với USD, xuống còn 6,2298 NDT đổi 1 USD.
Động thái này ngay lập tức khiến NDT giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 1/1994. PBOC khẳng định, đây là lần điều chỉnh duy nhất vì PBOC có kế hoạch giữ đồng NDT ổn định ở mức hợp lý; mặt khác, Ngân hàng Trung ương sẽ tăng cường vai trò của thị trường đối với tỷ giá. PBOC còn cho biết, sẽ tìm cách ngăn chặn hiện tượng dòng vốn “bất thường”.
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế yếu đi đã làm Trung Quốc bị “chảy máu” một lượng vốn khá lớn, trong đó nhiều khả năng những biến động trên thị trường chứng khoán gần đây đã khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái của PBOC sẽ giúp cứu vãn lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại.
Đồng NDT chịu sức ép sau khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% trong tháng 7, mức thấp nhất trong sáu năm qua, khiến PBOC cho rằng cần có sự điều chỉnh để giữ tỷ giá ở mức hợp lý. Trước đây, PBOC vẫn hỗ trợ đồng NDT nhằm giúp ngăn dòng vốn chảy ra ngoài, đồng thời khuyến khích sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu.
Các biện pháp can thiệp của PBOC đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 300 tỷ USD trong 4 quý gần đây. NDT trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong các thị trường mới nổi, nhưng đi kèm với đó là làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Bloomberg Intelligence, Tom Orlik ước tính, đồng NDT giảm giá 1% (tính trên tỷ giá thực) sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm 1 điểm phần trăm, với độ trễ là 3 tháng.
Nhưng đi kèm với đó sẽ là 40 tỷ USD có thể bị rút ra trên thị trường vốn. Mặc dù vậy, có vẻ như các lãnh đạo Trung Quốc tính toán rằng họ có thể chống đỡ rủi ro với 3.690 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối, ông Orlik cho hay.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền nhằm cứu xuất khẩu, có ý kiến cho rằng, đây là bước đi trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đưa NDT vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng để cho các nước vay.
Bởi mới đây, IMF cho biết cơ quan này đã hoãn lại việc xem xét đưa NDT vào giỏ tiền tệ cho đến tháng 9./2016. Quá trình đánh giá sẽ dựa trên những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc cải cách nền tài chính, tiền tệ. Trong đợt đánh giá hồi năm 2010, NDT bị coi là chưa đáp ứng tiêu chí sử dụng tự do.
Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã hối thúc Chính phủ Trung Quốc ngừng các hành động kiểm soát tỷ giá đồng NDT và cho biết, vẫn còn nhiều việc cần làm trước khi đồng NDT có thể gia nhập vào giỏ SDR của IMF.
Việc đưa NDT vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ đồng tiền này.
Chiến lược gia đến từ ngân hàng ANZ chi nhánh Singapore Khoon Goh cho rằng, động thái bất ngờ của PBOC giống như việc Trung Quốc đang chấm dứt chế độ tỷ giá cố định.