Trung Quốc phá giá tiền tệ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt sẽ ảnh hưởng ra sao?
Tuy kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Kể từ tháng 4/2008, đây là thời điểm đồng NDT xuống mức yếu nhất: 7 NDT đổi 1 USD. Giới quan sát nhận định rằng, Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ nhằm giảm áp lực cho hàng xuất khẩu trước đòn thuế của Mỹ, từ đó thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực thì việc phá giá đồng NDT sẽ thúc đẩy một phần xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng trung ương các nước phải xem xét để hành động.
Trong khi đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu 70% sang Trung Quốc thì hành động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân và thương lái khi đưa sản phẩm sang thị trường này.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng "áp lực" từ việc Trung Quốc nâng độ khó về tiêu chuẩn xuất khẩu các sản phẩm nông sản từ Việt Nam từ tháng 5/2019 chưa hết, việc giảm giá đồng NDT lại khiến các doanh nghiệp Việt thêm "loay hoay".
Ngoài yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu sang, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của nước này và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Theo đó, các thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói, danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
"Ngoài việc nâng độ khó về tiêu chuẩn xuất khẩu các sản phẩm nông sản từ Việt Nam, việc giảm giá đồng nội tệ Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp Việt "loay hoay", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thiết lập tỷ giá tham chiếu ở trên mức 7 NDT đổi 1 USD. Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Chính vì vậy theo ông Mạc Quốc Anh "những hàng giá rẻ của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh vì hiện nay Trung Quốc ngày càng nâng cao độ khó những yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chí về an toàn thực phẩm".
Với những biến động của thị trường đồng nội tệ cùng với chính sách siết chặt nhập khẩu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, "các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm thêm thị trường mới, mở thêm các văn phòng đại diện. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên làm việc trực tiếp với các tham tán thương mại của Việt Nam đóng tại các nước và tham tán thương mại của các nước đóng tại Việt Nam để tìm kiếm thêm bạn hàng và đối tác", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Ngoài việc các doanh nghiệp phải "tự thân vận động" thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan quản lý và hiệp hội nên tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ để kết nối sản phẩm ra các nước vì những quốc gia không có chiến tranh thương mại vẫn ưu tiên các sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh cũng khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam là "khi tiếp cận các thị trường mới phải tìm hiểu kỹ, chất lượng và giá cả phải ổn định và đảm bảo. Việc để ý đến đến vấn đề thanh toán và thanh khoản với các nước ký kết cũng là điều doanh nghiệp phải quan tâm".
Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế về sự kiện phá giá tiền tệ này đến thương mại Việt Nam và Trung Quốc thì tác động của là không đáng quan ngại. Bởi theo ông Lực, tuy kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Ông Lực cũng cho rằng các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đối ngành nghề kinh doanh của mình, doanh nghiệp mình để có giải pháp cụ thể. "Chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỷ giá, lãi suất... Đáng chú ý là các công cụ này hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn", chuyên gia này đánh giá.
Hiện nay, khi Trung Quốc là một những đối tác lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, NDT giảm giá mạnh thì hàng nhập Trung Quốc rẻ hơn và ngược lại, hàng của chúng ta sẽ đắt hơn khi xuất vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. "Việt Nam nên ổn định một cách linh hoạt, không thể giống như năm 2014 từng phá giá theo Trung Quốc khiến lạm phát tăng lên. Tâm lý kỳ vọng lạm phát của người Việt Nam rất lớn. Điều này sẽ gây biến động cho nền kinh tế. Nếu phá giá, tác động tiêu cực với nền kinh tế còn lớn hơn". Ông Nghĩa nhận định: Việt Nam nên áp dụng các biện pháp thuế quan, phi thuế quan qua hàng rào kỹ thuật, kiểm soát buôn lậu… để cải thiện xuất nhập khẩu, không để Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc.