Thêm "ông lớn" chia tay Trung Quốc, sang Việt Nam
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng buộc các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc muốn dịch chuyển sang các nước lân cận.
Nikkei Asian Review đưa tin Kyocera, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gốm và đồ điện tử, sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước đó, máy in đa năng của công ty Nhật này được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu đến Mỹ, còn những máy in được sản xuất tại Việt Nam thường được dành cho thị trường châu Âu. Chủ tịch Kyocera Hideo Tanimoto cho biết: "Chúng tôi sẽ chuyển đổi sản xuất giữa các cơ sở của Trung Quốc và các cơ sở của Việt Nam".
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi nhận thấy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải trong tuần này dường như không có tiến triển. Cùng với đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1/9/2019. Máy in đa chức năng cũng nằm trong danh sách các loại hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc sẽ bị áp dụng với mức tăng thuế 10% từ ngày 1/9 tới.
Việc di dời nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng của Kyocera sẽ được thực hiện trong năm tài chính hiện tại cho đến tháng 3/2020, song sẽ mất thời gian để điều chỉnh việc mua sắm vật liệu và các quy trình khác. Chi phí cho việc dịch chuyển sản xuất được ước tính khoảng 1 tỷ Yen, tương đương khoảng 9,2 triệu USD.
Ông Tanimoto cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tác động của suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn so với thuế quan bổ sung. Nếu vòng trừng phạt thứ tư đối với Trung Quốc được thực thi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, hãng Sharp cũng vừa tuyên bố chuyển nhà máy sản xuất LCD, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thông báo này của Sharp được đưa ra vào hôm 1/8. Đây là một động thái được cho là để tránh thuế quan của Mỹ, bởi từ ngày 1/9, màn hình LCD sẽ vào danh sách các loại hàng hóa chịu ảnh hưởng.