Trung Quốc phản ứng trước báo cáo của Mỹ về chính sách ngoại hối
Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố sau khi Bộ Tài chính Mỹ trình lên Quốc hội nước này bản Báo cáo Kinh tế vĩ mô và các Chính sách ngoại hối.
Ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố nước này hy vọng Mỹ sẽ không tiến hành đánh giá đơn phương về đồng nội tệ của các nước khác, đồng thời cho rằng Washington không có quyền phán xét như vậy.
Phản ứng trên của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ trình lên Quốc hội nước này bản Báo cáo Kinh tế vĩ mô và các Chính sách ngoại hối.
Trong đó, Washington khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ.
Tương tự, cùng ngày, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã có phản ứng về văn kiện trên.
Theo đó, nước này không thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu. MAS tái khẳng định chính sách tiền tệ của nước này, vốn tập trung vào tỷ giá hối đoái, luôn nhằm hướng tới đảm bảo sự ổn định giá cả trong trung hạn, và Singapore sẽ tiếp tục duy trì chủ trương này.
Liên quan đến báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, MAS nhấn mạnh cơ quan này quản lý tỷ giá hối đoái đồng đô la Singapore (SGD) dựa trên một tập hợp các chính sách, trong khi các ngân hàng trung ương của nhiều nước khác thực hiện chính sách tiền tệ dựa trên lãi suất.
Theo MAS, Singapore không và không thể sử dụng tỷ giá hối đoái để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu. Cơ quan này cho rằng việc đồng SGD yếu đi sẽ khiến lạm phát tại nước này tăng và ảnh hưởng đến mục tiêu duy trì bền vững giá cả của MAS.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) ra tuyên bố khẳng định Malaysia ủng hộ thương mại tự do và công bằng, đồng thời tuân thủ nghiêm túc quy định về hoạt động tiền tệ.
BNM khẳng định Malaysia vẫn thực thi chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái, qua đó tỷ giá đồng ringgit phụ thuộc vào thị trường và không dựa vào sự cạnh tranh xuất khẩu.
Theo BNM, trong nhiều năm gần đây giá trị đồng ringgit lên xuống bất thường buộc cơ quan này có biện pháp can thiệp. Ngân hàng trung ương này cho biết thêm bản chất của kinh tế Malaysia được thể hiện rõ qua thặng dư thương mại hiện nay.
Là một nền kinh tế mở cửa và quy mô nhỏ, BNM nhận định thặng dư cán cân thanh toán của Malaysia hiện nay bị chi phối bởi tình hình trong và ngoài nước, bao gồm các yếu tố về cấu trúc và theo chu kỳ.
BNM cho rằng một nửa thặng dư thương mại của Malaysia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa, vốn bị ảnh hưởng bởi nguồn cung và cầu thế giới, chứ không phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái.
Báo cáo trên của Bộ Tài chính Mỹ, công bố 2 lần/năm, rất được trông đợi trong bối cảnh đồng tiền yếu khiến hàng hóa xuất khẩu của các nước vào Mỹ có tính cạnh tranh cao hơn và có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực hiện nay của Washington nhằm giảm tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại toàn cầu.
Báo cáo này bổ sung thêm 9 đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc, vào diện "cần giám sát về thói quen tiền tệ".
Danh sách mới đã xóa tên Ấn Độ và Thụy Sĩ, nhưng thêm Ireland, Italy, Malaysia, Singapore.... Đức vẫn tiếp tục ở trong danh sách này trong năm thứ 3 liên tiếp.