Trung Quốc: Ra tay với hệ thống ngân hàng ngầm
Cuộc suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu trở nên rõ ràng, thì các vấn đề của hệ thống tín dụng bất hợp pháp - ngân hàng ngầm của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện.
Ngày 19/11, hãng tin Reuters đưa tin cảnh sát Trung Quốc đã phá vỡ một hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất nước này liên quan tới các giao dịch với tổng trị giá lên tới 410 tỷ nhân dân tệ (NDT). Đây là một trong những hành động chống lại nạn rửa tiền đang "hoành hành" tại quốc gia này, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Công an các tỉnh, thành phố như Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Triết Giang, Tân Cương đã liên tiếp phá được một loạt vụ án nghiêm trọng. Tính đến nay, Công an Trung Quốc đã phá vỡ 66 ngân hàng ngầm, bắt hơn 160 kẻ tình nghi phạm tội, tổng số tiền liên quan lên tới 430 tỷ NDT. Các băng nhóm này có liên quan tới một ông trùm đang điều hành hàng chục công ty tại Hồng Kông liên quan tới các giao dịch ngoại tệ trái phép và rửa tiền.
Vào tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo sẽ tiến hành chiến dịch xóa sổ các hệ thống ngân hàng ngầm (Shadow Banking-hay còn gọi là "hệ thống tín dụng đen") trong bối cảnh kinh tế nước này suy giảm và thị trường biến động gây ra làn sóng chảy vốn ra nước ngoài trong năm nay.
Hệ thống này gồm những hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ và hoạt động cho vay “cắt cổ” ở các thị trường mới nổi, cho vay chứng khoán, thỏa thuận mua lại giữa các định chế tài chính... Ngân hàng ngầm là thuật ngữ mới xuất hiện gần đây, nhưng các hoạt động tài chính ngoài ngân hàng đã xuất hiện phổ biến từ lâu và hầu như nước nào cũng có.
Là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, nó được chú ý vì nhiều chuyên gia tin rằng, đây là cơn sóng ngầm có thể xô đổ nền tài chính thế giới trong tương lai nếu không có những biện pháp kiểm soát kịp thời.
Mặc dù rủi ro rất lớn, nhưng trong 5 năm qua hệ thống tín dụng bất hợp pháp này của Trung Quốc đã vận hành số tiền rất lớn, tới hơn 17.000 tỷ NDT. Nhận thấy rủi ro từ đây là rất lớn, Chính phủ Trung Quốc đã và đang gắt gao để có thể kiểm soát các ngân hàng ngầm trong nhiều năm qua.
Tháng 12/2009, một vụ án làm chấn động công luận Trung Quốc và cũng dấy lên hồi chuông báo động về hoạt động ngân hàng ngầm. Lúc đó, một tòa án ở Trung Quốc tuyên án tử hình đối với nữ doanh nhân Ngô Anh (28 tuổi), người phụ nữ giàu thứ 6 Trung Quốc đại lục với biệt danh “Chị gái giàu có”, vì huy động 55,7 triệu USD từ nhà đầu tư rồi quỵt nợ.
Tội của bà Ngô liên quan đến một hoạt động phổ biến tại Trung Quốc: huy động tiền từ dân chúng với lời hứa sẽ trả lãi suất cao hơn nhiều so với hệ thống NHTM.
Trước đó vài tháng, một số đối tượng hoạt động ngân hàng ngầm ở Trung Quốc cũng đã bị tuyên án tử hình. Ngày 5/8/2009, Tòa án Tối cao Trung Quốc phê chuẩn án tử hình đối với 2 nữ doanh nhân trong các vụ án khác nhau. Một người là Si Chaxian, bị tử hình vì lừa đảo huy động 167 triệu NDT từ 300 nhà đầu tư cá nhân.
Người kia là Du Yimin, với tội danh lừa đảo các nhà đầu tư 709 triệu NDT. Từ năm 2009 đến tháng 4/2012, ít nhất có 17 người ở Trung Quốc bị phán án tử hình vì huy động vốn trái phép từ các nhà đầu tư cá nhân, theo dữ liệu của hãng tin tài chính Bloomberg.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngân hàng ngầm đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đáp ứng nhu cầu về vốn cho các công ty tư nhân và là nơi các nhà đầu tư cá nhân. Fred Hu, cựu Chủ tịch Goldman Sachs tại Trung Quốc, cho rằng tấn công hệ thống này khi nền kinh tế đang yếu ớt có thể tiềm ẩn rủi ro.
Các thực thể cung cấp những dịch vụ ngân hàng ngầm không phải là NHTM, nên không bị quản lý, giám sát như các NHTM. Cũng chính vì thế, người cho vay luôn có nhiều khả năng bị quỵt nợ.
Nói như vậy không có nghĩa khi các dịch vụ ngân hàng ngầm được cung cấp bởi các thực thể tổ chức sẽ không có nguy cơ. Trong thực tế, ở những nước có thị trường tài chính đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, những quy định của pháp luật về quản lý thị trường tài chính và công cụ tài chính phái sinh còn rất yếu kém.
Ngay cả những thị trường phát triển như Hoa Kỳ và châu Âu, sự giám sát, quản lý của pháp luật về thị trường tài chính ngoài ngân hàng cũng chưa theo kịp sự biến hóa của thị trường này. Ngoài ra, bản thân các tài sản, dịch vụ được cung cấp trong hệ thống ngân hàng ngầm như tài sản phái sinh, hoạt động repo cổ phiếu, cho vay margin… cũng thường trực nhiều bất trắc.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cuối năm 2015, Mỹ là nước có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất thế giới với tổng giá trị vào khoảng 15.000 - 25.000 tỷ USD, gấp đôi khối lượng tài sản của các ngân hàng chính thống.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, giá trị này thấp hơn song vẫn ở mức cao, xấp xỉ 60% tổng tài sản của các ngân hàng thông thường. Trong khi đó, ở Trung Quốc, IMF ước tính các ngân hàng ngầm chiếm tới 35-50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).