Chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu trục trặc do sự lây lan của biến chủng delta?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tình trạng đóng cửa tại cảng Ninh Ba – Chu Sơn đang khiến nhiều người lo sợ rằng các khu cảng trên khắp thế giới sẽ đương đầu với tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh đã khiến một trong những cảng vận tải công ten nơ lớn nhất thế giới phải đóng cửa một phần, điều này không khỏi làm dấy lên những lo lắng về khả năng sự lây lan mạnh của biến chủng delta sẽ dẫn đến những cơn ác mộng của ngành vận tải toàn cầu giống như năm ngoái.

Cảng Los Angeles, Mỹ những ngày gần đây chứng kiến tình trạng khối lượng vận tải hàng hóa suy giảm do đợt bùng dịch tại cảng Diêm Điền – Thâm Quyến – Trung Quốc, theo phát ngôn của cảng. CEO quản lý chuỗi cung ứng tại công ty tài nguyên Mercury Resources, ông Anton Posner, nói rằng nhiều công ty vận hành các con tàu vận tải hiện đang bổ sung thêm các điều khoản liên quan đến đại dịch COVID-19 vào hợp đồng vận chuyển hàng hóa để họ sẽ không phải chi trả chi phí cho những con tàu mắc kẹt.

Quản lý tại công ty vận tải Ifchor North America LLC, ông Emmanouil Xidias, nhận xét dường như mọi chuyện đã bắt đầu bình ổn, rồi biến chủng delta lây nhiễm mạnh và thế giới chuẩn bị đương đầu với cú sốc thứ hai.

Tình trạng đóng cửa tại cảng Ninh Ba – Chu Sơn đang khiến nhiều người lo sợ rằng các khu cảng trên khắp thế giới sẽ đương đầu với tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế thời kỳ đại dịch COVID-19 làm chậm đà vận chuyển tại hệ thống cảng biển thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chật vật từ trước đó trong việc xử lý khối lượng hàng hóa giao dịch cao khi mà các nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động sản xuất tăng trưởng.

Chỉ số BDI, chỉ số đo lường giá cả vận chuyển hàng hóa toàn cầu, đã tăng hơn 10% trong tháng này khi mà biến chủng delta bắt đầu lây lan mạnh. Dù rằng cho đến nay không có nhiều ảnh hưởng lên các cảng của Mỹ, những vấn đề tại các cảng Trung Quốc chủ yếu ảnh hưởng đến những doanh nghiệp xuất khẩu từ quốc gia này.

Rủi ro kinh tế Trung Quốc đang tăng lên trong nửa sau của năm nay, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ chững lại khi mà áp lực lạm phát dâng cao, “phủ bóng đen” lên triển vọng tác động từ các biện pháp hỗ trợ của ngân hàng trung ương.

Theo báo cáo mới công bố ngày thứ Hai, lạm phát giá sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 7/2021 tăng vọt lên mức 9% khi mà giá hàng hóa tăng, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu có nhiều biến động) tăng mạnh nhất trong 18 tháng.

Cùng lúc đó, việc biến chủng delta lây lan đang đe dọa xấu đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs và JP Morgan Chase mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 3 và cả năm nay, đồng thời dự báo nhiều hơn nữa về khả năng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách.

Diễn biến mới nhất đang khiến cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gặp khó, họ đã cam kết hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa cho nền kinh tế trong nửa sau của năm nay. Dù rằng một số chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro lạm phát hạn chế khả năng can thiệp của ngân hàng trung ương, nhiều chuyên gia dự báo môi trường tăng trưởng bất ổn như mối rủi ro lớn hơn.

Chuyên gia kinh tế cao cấp phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, ông Xing Zhaopeng, nhận xét: “Khi mà đại dịch ngày một trở nên căng thẳng, nhu cầu của Trung Quốc sẽ yếu đi và áp lực lạm phát nói chung sẽ giảm đi. Dù rằng giá cả vẫn cao, giá cả cũng không có nhiều yếu tố tác động để tăng cao hơn nữa, vì vậy sẽ không tạo ra áp lực quá lớn lên chính sách tiền tệ”.

Giá trái phiếu Bộ Tài chính Trung Quốc giảm sau dữ liệu mới nhất, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc thời hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản lên mức 2,85%, cao nhất tính từ tháng 1/2021.
Lạm phát giá cả sản xuất cao chủ yếu do giá hàng hóa cao, đặc biệt giá dầu và than đá. Gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế giá hàng hóa tăng quá nóng bằng cách bán hàng từ dự trữ chiến lược của quốc gia, ngăn chặn đầu cơ tích trữ và nâng giá trái phép, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhà nước hạn chế tiếp xúc với thị trường hàng hóa nước ngoài.

Chỉ số CPI lõi của Trung Quốc tháng 7/2021 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy nhu cầu nội địa vẫn lên mạnh. Giá thực phẩm giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá thịt lợn giảm đến 43,5% trong khi đây là mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa tính chỉ số CPI.