Trung Quốc xây chắc vị thế ở chuỗi cung ứng công nghệ bất chấp áp lực từ Mỹ

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Các công ty Trung Quốc kiểm soát hơn 30% thị phần toàn cầu với 15 sản phẩm và dịch vụ công nghệ chủ chốt. Đây là thách thức mà các quốc gia đang muốn xây dựng chuỗi cung ứng độc lập hơn phải đối mặt.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh

Đại dịch, thương chiến Mỹ - Trung gây chia rẽ nền kinh tế toàn cầu. Mỹ thúc đẩy các chính sách để chính phủ mua hàng nội địa và nỗ lực đưa dây chuyền sản xuất các mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn trở lại Mỹ. Nhưng thống kê cho thấy các quốc gia khác vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc ở một số sản phẩm. Loa thông minh, điện thoại thông minh, camera giám sát, máy tính cá nhân, máy điều hòa không khí gia đình và máy giặt… nằm trong danh sách 15 mặt hàng công ty Trung Quốc đang chiếm hơn 30% thị phần toàn cầu. Trong số đó, doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu thị trường ở 13 mặt hàng.

Cuộc khảo sát của Nikkei xem xét 70 nguyên vật liệu, thành phần cốt lõi, thành phẩm và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Danh sách gồm các sản phẩm có nhu cầu tăng cao bởi xu thế giảm khí thải carbon như pin mặt trời và pin ô tô, lưu trữ đám mây… 

 Thị phần toàn cầu của công ty Nhật Bản và Trung Quốc ở mảng màn hình LCD và pin lithium-ion năm 2015 và 2020  
 Thị phần toàn cầu của công ty Nhật Bản và Trung Quốc ở mảng màn hình LCD và pin lithium-ion năm 2015 và 2020  

Longi Solar dẫn đầu thị trường tấm pin năng lượng mặt trời vào năm ngoái, trong khi FAW Group là hãng bán xe tải hạng lớn và hạng trung hàng đầu. BOE Technology xếp số 1 về các tấm nền màn hình tinh thể lỏng nhỏ đến trung bình được sử dụng trong các thiết bị điện tử. Trong lĩnh vực pin ô tô, Contemporary Amperex Technology đi trước đối thủ LG Chem của Hàn Quốc.

Shanghai New Energy New Materials Technology đánh bại Asahi Kasei về chất cách điện cho pin lithium-ion, đứng đầu danh sách với 22,3% thị phần (so với 14,5%) ở lĩnh vực Nhật Bản thống trị vào năm 2015.

Huawei Technologies giữ vị trí hàng đầu về các trạm gốc cho mạng không dây 5G tốc độ cao, mở rộng thị phần lên gần 40% ngay cả khi Mỹ kêu gọi các quốc gia khác “tránh xa” bởi những lo ngại về bảo mật.

Các nhà quan sát cho rằng công ty công nghệ Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Mỹ gây sức ép, nhưng những tác động dường như được hạn chế.

Các công ty Mỹ dẫn đầu thị trường ở 24 mặt hàng, liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng như máy chủ và bộ định tuyến. Nhật Bản chỉ là số 1 ở 7 mặt hàng nhưng đều nằm ở các thị trường đang thu hẹp, như máy photocopy, máy in đa chức năng và máy ảnh kỹ thuật số.

Apple ngày càng phụ thuộc chuỗi cung ứng Trung Quốc

Apple sở hữu chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng phức tạp nhất thế giới, sản xuất khoảng 200 triệu iPhone, 20 triệu MacBook và hàng chục triệu bộ tai nghe AirPods mỗi năm. Các tiêu chuẩn sản xuất cao của Apple đồng nghĩa rằng bất kỳ công ty nào trong chuỗi cung ứng đều được coi là một trong những công ty tốt nhất trong lĩnh vực đó.

Công ty Mỹ đang khai thác thêm nhiều nhà cung cấp ở Trung Quốc, yêu cầu đối tác đảm nhận các vai trò quan trọng trong việc sản xuất iPhone mới nhất. Dấu hiệu này cho thấy khả năng cạnh tranh công nghệ của quốc gia tỷ dân này đang tiếp tục tăng lên, bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Công ty Lens Technology có trụ sở tại Hồ Nam trước đây chỉ cung cấp mặt lưng kính cũng như kính phủ cho iPhone, nhưng đây là lần đầu tiên công ty cũng sẽ cung cấp thêm vỏ kim loại nhờ vào việc mua lại nhà máy khung và vỏ kim loại tại Trung Quốc của đối thủ năm ngoái.

Trong khi đó, nhà sản xuất module camera smartphone lớn nhất Trung Quốc, Sunny Optical Technology, cũng lần đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng iPhone năm nay. Theo các nguồn tin, công ty này sẽ cung cấp các ống kính cho camera sau.

BOE Technology bắt đầu cung cấp các màn hình OLED cho dòng iPhone 13 ngay trong quý tới nếu được Apple phê chuẩn trong quý này. Công ty Trung Quốc bắt đầu cung cấp màn hình OLED cho những mẫu iPhone cũ hơn từ hồi năm ngoái. Bắc Kinh coi BOE là đối thủ thách thức Samsung - nhà sản xuất màn hình OLED lớn nhất thế giới. 

Doanh thu, lợi nhuận của các nhà cung ứng cho Apple đến từ Trung Quốc đều tăng   
Doanh thu, lợi nhuận của các nhà cung ứng cho Apple đến từ Trung Quốc đều tăng   

Một số công ty Trung Quốc khác cũng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách nhà cung cấp của Apple vào hồi năm ngoái, bao gồm nhà sản xuất màn hình Tianma Micro-Electronics, nhà sản xuất chip nhớ GigaDevice Semiconductor và Nexperia, thuộc sở hữu của công ty lắp ráp smartphone lớn nhất Trung Quốc Wingtech Technology.

Shenzhen Everwin Precision Technology, đối thủ của Catcher Technology đến từ Đài Loan và là bộ phận sản xuất vỏ của Foxconn, cũng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu vào năm 2020.