Trung Quốc và một mô hình đang “nguy kịch”

Theo infonet.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc liên tục suy giảm tốc độ tăng trưởng khiến dư luận cảm thấy lo ngại thậm chí có tiếng nói dự báo về sự sụp đổ. Phải chăng mô hình kinh tế “diệu kì” một thời của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn “nguy kịch”? Theo tác giả Michael Moran trên trang Globalpost, trên khắp thế giới, các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đều đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng suy giảm, ở một số nước còn suy giảm mạnh.

Thượng Hải – một thành phố biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: internet
Thượng Hải – một thành phố biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: internet

Năm ngoái, Brazil gần như không tăng trưởng mấy và đối mặt với nhiều cuộc biểu tình lớn ở các thành phố.

Nền kinh tế Nam Phi tăng trưởng “èo uột” với giá cả hàng hóa giảm nghiêm trọng và các cuộc nổi loạn đẫm máu của người lao động, đặc biệt là công nhân mỏ.

Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia một thời “khoe khoang” rằng nước này sẽ quyết đuổi kịp Trung Quốc trong thập kỷ này, sẽ trở thành quốc gia may mắn nếu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% - một mức tăng trưởng thực ra là quá thấp để nước này có thể thay đổi được cuộc sống nghèo khổ của hơn 1 tỷ dân.

Nga, quốc gia với nạn tham nhũng tràn lan và có nền kinh tế lệ thuộc vào giá dầu mỏ, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng hơn 1% trong quí II năm nay và triển vọng cũng không mấy sáng sủa.

Còn bản thân Trung Quốc, câu chuyện về mô hình kinh tế tư bản định hướng nhà nước với kết quả là tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua dường như sắp đến hồi kết. Nước này đang chịu bong bóng bất động sản và tín dụng, kết hợp với tình trạng cầu hàng hóa suy giảm ở các thị trường xuất khẩu phương Tây. Không chỉ có vậy, Trung Quốc chịu sức ép ngày càng tăng về vấn đề cải thiện điều kiện sống trong nước.

Các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông trong năm qua đã trải qua một năm tồi tệ nhất thập kỷ do các nhà chính sách dùng mọi biện pháp để ngăn giá bất động sản tiếp tục tăng, kích thích khu vực sản xuất và đổ thêm tiền đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước.

Nói tóm lại, thời điểm này, nền kinh tế “siêu nhân” của Trung Quốc như đang ở vào giai đoạn “hấp hối”.

Theo các bài báo kinh tế viết về chủ đề “sự kết thúc của mô hình Trung Quốc”, “người khổng lồ” này sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm nay – mức tăng trưởng thấp so với tốc độ 2 con số trong những thập kỷ vừa qua, nhưng đó là qui luật bởi lẽ không nền kinh tế nào duy trì được mức tăng trưởng đó mãi mãi.

Tốc độ tăng trưởng suy giảm cũng đủ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại  và thông báo về một “gói kích thích nhỏ” vào trung tuần tháng Bảy vừa qua, nhằm tới các doanh nghiệp nhỏ và một số ngành chiến lược như đường sắt và các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Một số nhà quan sát ở phương Tây, chủ yếu là những nhân vật có tư tưởng cánh hữu, đang “rêu rao” về “sự chấm dứt của mô hình Trung Quốc”. Điều đó thực ra là vô nghĩa.

Andrew Gilholm, nhà phân tích hàng đầu về châu Á, đã từng nói rằng bây giờ cuộc tranh cãi không nên về chủ đề liệu nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không mà là về vấn đề chính quyền Trung Quốc cần phải làm gì sau những dấu hiệu “ốm yếu” vừa qua.

Trung Quốc và một mô hình đang “nguy kịch” - Ảnh 1

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp những thách thức to lớn.Nguồn: internet

Nếu trong những năm tới, các nhà làm chính sách Trung Quốc tập trung vào cải cách thị trường thì cuộc tranh luận về sự khác biệt giữa mô hình kinh tế Trung Quốc và phương Tây sẽ chấm dứt. Và khi Trung Quốc “ngấm” bài học về hậu quả của năng lực dư thừa, để thị trường định hướng nền kinh tế đồng thời học hỏi các phương pháp điều hành hệ thống kinh tế thị trường của phương Tây thì hai mô hình kinh tế trên có thể được dung hòa.

Nhưng nhiệm vụ cải cách không hề đơn giản và dưới đây là một số thực tế mà kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt:
  • Nhu cầu về hàng hóa giá rẻ trên toàn thế giới là có giới hạn
  • Do vấn đề chu kì kinh tế, hiện những nước lệ thuộc mạnh vào xuất khẩu như Trung Quốc đang mất khách hàng vì một lí do đơn giản là khách hàng của phải “thắt chặt hầu bao” vì kinh tế khó khăn.
  • Dịch chuyển kinh tế từ mô hình lệ thuộc vào xuất khẩu sang mô hình chú trọng cầu trong nước mà các nhà kinh tế học vẫn gọi là “tái cân bằng” đòi hỏi sự dịch chuyển thận trọng và đầy rủi ro.
  • Vào một thời điểm nào đó với thu nhập bình quân và nhận thức về mức thu nhập ở các quốc gia khác của lực lượng lao động tăng lên thì phong trào đòi tăng lương, độ an toàn, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về cải thiện khác của người lao động sẽ tăng lên.
  • Thế mạnh “lao động rẻ” của một quốc gia luôn luôn bị phá vỡ vì một nơi nào đó trên thế giới có giá nhân công còn rẻ hơn – hiện tại là Bangladesh, Lào, Campuchia – chưa kể tới Ấn Độ và khu vực châu Phi hiện nay còn chưa được chạm tới.

Nhưng xét cho cùng, vấn đề chính mà “mô hình Trung Quốc” gặp phải có lẽ là vấn đề sau: Con người (sự quản lý).

Ở một khía cạnh nào đó, rủi ro có thể không cao với nền kinh tế trong đó sản xuất phải theo hạn ngạch (quota), hệ thống luật pháp về sở hữu tư nhân không rõ ràng, tình trạng đô thị hóa tràn lan và một bộ máy chính quyền quản lý như người bảo trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước và tư nhân kém hiệu quả.

Tuy nhiên, hệ thống đó cũng nuôi dưỡng nạn tham nhũng và thúc đẩy chính phủ tới việc đầu tư cho các lĩnh vực đáng lẽ nên “khai tử” hoặc nên thu nhỏ bớt. Trên thực tế, hệ thống đó đã dẫn tới tình trạng năng lực dư thừa và bong bóng bất động sản có thể gây nguy hại tới nền kinh tế toàn cầu giống như bong bóng bất động sản ở Mỹ vào năm 2008.

Tóm lại, mô hình kinh tế Trung Quốc đang gặp các rắc rối thực sự và chúng đang được thể hiện không chỉ ở nước này mà còn ở các quốc gia có mô hình tương tự như Nga và Brazil. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để đưa ra kết luận về “cái chết” của mô hình này.