Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật: Địa chỉ hàng đầu về khoa học ứng dụng

Việt Hà

(Tài chính) Được thành lập năm 1986 theo quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), trải qua 27 năm trưởng thành và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật (Đại học Mỏ - Địa chất) xứng đáng là địa chỉ hàng đầu về khoa học ứng dụng của ngành khai khoáng Việt Nam…

Khởi đầu cho những thành công lớn của Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật đến vào năm 1993. Đây là thời điểm Trung tâm được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ chuyên sâu gắn với ứng dụng, bao gồm: Nghiên cứu, triển khai ứng dụng kỹ thuật mới để khảo sát địa chất công trình, nước ngầm, khoáng sản, địa hình bằng kỹ thuật, khoan, xuyên, địa vật lý, trắc địa. Nghiên cứu tính chất cơ lý của đất đá, thành phần nước và các giải pháp xử lý nền móng. Thực hiện các dịch vụ khoa học và kỹ thuật về địa chất công trình, nền móng, trắc địa, khoan thăm dò - khai thác nước, cọc khoan nhồi.

Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật: Địa chỉ hàng đầu về khoa học ứng dụng - Ảnh 1

Nhiều ứng dụng kỹ thuật do Trung tâm thực hiện đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Nguồn : Internet

Xây dựng các hệ thống khai thác, vận chuyển bằng đường ống, xử lý cất chứa và cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; Quan trắc, xử lý môi trường dầu - khí - nước. Đào tạo cán bộ thí nghiệm; Bổ túc nâng cao kiến thức cho kỹ sư; Giảng dạy chuyên đề cho cao học và nghiên cứu sinh. Sản xuất, cải tiến, nâng cấp các thiết bị thi công, thăm dò - khảo sát và thiết bị thí nghiệm. Tư vấn khoa học công nghệ cho các lĩnh vực liên quan. Sản xuất, cải tiến, nâng cấp các thiết bị thi công, thăm dò - khảo sát và thiết bị thí nghiệm…

Chủ trương đúng, chiến lược phát triển đúng đắn đã tạo bước phát triển mới cho Trung tâm. Hành lang pháp lý rộng mở cũng là thời điểm nền kinh tế đất nước ngày càng mở cửa, hội nhập, hoạt động khai khoáng, xây lắp sôi động. Tiếng lành đồn xa, Trung tâm được nhiều khách hàng lớn là các doanh nghiệp khai khoáng, xây lắp khắp trong Nam, ngoài Bắc tìm đến đặt hàng. Đây là nền tảng mang lại thành công lớn cũng như uy tín và thương hiệu cho Trung tâm trên bình diện quốc gia và ở phạm vi nào đó, đã vượt ra cả bình diện quốc tế. Trong 20 năm qua, Trung tâm đã hoạt động hiệu quả liên tục với hàng ngàn đề tài nghiên cứu, hợp đồng triển khai công nghệ, phục vụ sản xuất. Số đề tài, hợp đồng hàng năm ngày càng tăng, trung bình 80 đề tài (giai đoạn 1986 - 1989); 100 đề tài (giai đoạn 1990 - 1995); 200 đề tài (giai đoạn 1996-2000), 500 đề tài (giai đoạn 2001- 2002) và trên 1000 đề tài (giai đoạn 2003 - 2008).

Nhiều đề tài lớn đã được Trung tâm thực hiện rất thành công như: Khoan xoay đường kính lớn (1996); Biến động môi trường địa chất do hoạt động kinh tế - công trình Hà Nội (1996); Biến dạng  đất đá ở chiều sâu lớn (1998); Gia cố nền đất yếu bằng khoan cọc nhồi hỗn hợp xi măng - vôi - cát vàng (2000); Sự suy giảm năng lượng vỉa và các biến dạng (2001); Tài nguyên đất xây dựng Hà Nội (1998-2004); Luận chứng điều kiện địa chất công trình phục vụ xây dựng giao thông ngầm Thủ đô (1999-2005); Dung dịch polimer-bentonite cho khoan thăm dò than bằng ống mẫu luồn sâu tới 2000 m (2006 - 2009)... Thành công lớn khiến Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật trở thành khách hàng quen thuộc của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng LICOGI, Tổng công ty Sông Đà.v.v...

Theo Nhà giáo Ưu tú, PGS.,TS. Lê Xuân Lân, Giám đốc Trung tâm, việc nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài lớn đã giúp Trung tâm nâng cao uy tín, thúc đẩy hoạt động đào tạo với chất lượng cao.Thời gian qua, Trung tâm đã tham gia đào hàng chục tiến sỹ; thạc sỹ; trên 300 kỹ sư và trên 100 nhân viên thí nghiệm. Nhiều đoàn cán bộ của Trung tâm cũng được mời tham dự hàng chục hội thảo khoa học quốc tế tại Pháp, Canada, Thụy Điển, Trung Quốc…

Với đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu nhiều điểm mạnh trong “nguồn lực con người” mà Trung tâm xây dựng được là khả năng ứng dụng, khả năng sáng tạo cao, lòng đam mê nghề nghiệp. Ngoài ra, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Trung tâm còn có trên 150 cộng tác viên, gồm nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư; Tiến sỹ; Thạc sỹ; hơn 200 Kỹ sư thuộc các chuyên ngành: địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa vật lý, trắc địa, môi trường, ầu khí, công nghệ khoan… Nhất định, đây sẽ là nền tảng bền vững đưa Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật (Đại học Mỏ - Địa chất) vươn tới những tầm cao mới, xứng đáng là địa chỉ hàng đầu về khoa học ứng dụng của ngành khai khoáng Việt Nam không chỉ hôm nay mà cả trong tương lai.