Truyền thông là kênh đưa chính sách việc làm đến với người lao động hiệu quả nhất
Ngày 18/9, tại TP. Cần Thơ, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí khu vực phía Nam. Đồng chủ trì hội nghị có ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm, cùng gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khu vực phía Nam.
Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về các kết quả thực hiện chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp và phát triển thị trường lao động thời gian qua. Đồng thời, định hướng các vấn đề trọng tâm về lĩnh vực việc làm trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức, Bộ LĐ-TB&XH đã gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH xác định 3 đột phá, về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Việc làm không đơn thuần là vấn đề xã hội, mà hướng tới sử dụng năng suất, chất lượng cao hơn; quan tâm đến phát triển thị trường lao động, sử dụng lao động… Do đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin đến xã hội, người lao động.
Hội nghị cũng đã thảo luận về thực trạng công tác truyền thông về việc làm, BHTN, những kết quả, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, từ đó kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh truyền thông trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế nhận định, thách thức đối với nước ta hiện nay là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực CNTT và công nghệ cao. Trong khi đó, lực lượng lao động của Việt Nam nhìn chung có trình độ thấp, nhân lực có tay nghề chuyên môn cao còn mỏng, chưa đáp ứng kịp những thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi của công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống ASXH với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, BHXH, trợ giúp xã hội. "Do đó, các nhà báo cần cập nhật kiến thức về lĩnh vực lao động, việc làm, đổi mới phương thức truyền thông theo hướng hiện đại để có những phản ánh kịp thời, chuẩn xác"- ông Tuấn nói.
Tại hội thảo, đại biểu cho rằng để công tác truyền thông về việc làm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đội ngũ làm công tác truyền thông cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc.
Bên cạnh việc chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách, các cơ quan báo chí cần đăng, phát nhiều bài phản ánh, giới thiệu những tấm gương điển hình trong thực hiện chế độ, chính sách; hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lý tiếp nhận của người lao động…
Ban tổ chức đã tổ chức cho các đại biểu tham quan thực tế, làm việc và phỏng vấn người lao động và người sử dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ; tìm hiểu thực tế tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.