Truyền thông thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2017
Trong những ngày đầu năm mới 2017, giới chuyên gia kinh tế quốc tế dự báo Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á nói riêng và ở cấp độ thế giới nói chung.
Nhật báo The Star Online của Malaysia dự báo, năm 2017, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với khối lượng xuất khẩu hàng hóa tăng. Trong khi đó, sự suy thoái thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến Singapore và Trung Quốc.
Theo báo trên, việc Việt Nam cấp phép thành lập các doanh nghiệp lớn như Samsung Electronics đã biến Việt Nam thành một trung tâm quốc tế xuất khẩu hàng điện tử.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo trong năm 2017, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng 6,3%.
Ông Frederic Neumann - đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hongkong (Trung Quốc) dự báo, Việt Nam sẽ duy trì sự tăng trưởng mạnh trong vài năm tới, tăng thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu và sẽ thách thức Trung Quốc trong lĩnh vực này. Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lực lượng lao động giá rẻ và trình độ cao.
Theo ông Neumann, Việt Nam "có triển vọng rất tươi sáng và là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở châu Á".
Hãng tin Bloomberg cũng nêu một điểm nhấn đáng chú ý là lần đầu tiên trong 2 năm qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam được định giá cao hơn so với cổ phiếu của các nước láng giềng Đông Nam Á. Kết quả này có được nhờ các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định của nền kinh tế Việt Nam và sự ổn định chính trị trong nước, trái ngược với các nước khác trong khu vực đang đối mặt với những thay đổi chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Theo Bloomberg, hiện là thời điểm thuận lợi để các tập đoàn nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam vì Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự báo tích cực, báo chí quốc tế cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Trang tin Business Insider cho rằng, bất chấp các kết quả ấn tượng, Việt Nam đối diện với nhiều thách thức liên quan tới nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong năm 2016, tín dụng của Việt Nam tăng trưởng "nóng" lên tới 20%, do đó hiện tượng gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc khủng hoảng 2011.
Các chuyên gia của tập đoàn tài chính Credit Suise (Thụy Sĩ) cho rằng, chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể tạo ra nguy cơ đe dọa nền kinh tế Việt Nam.
Trong năm 2017, đồng tiền Việt Nam có thể giảm 4 - 5% so với đồng USD. Ngoài ra, việc Mỹ có thể rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tác động tiêu cực khi hầu hết hàng hóa hiệu Ivanka Trump có xuất xứ từ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.