Từ 1/7: Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh vượt, trái tuyến ra sao?
Khi đi khám bệnh vượt tuyến hoặc trái tuyến, mức hưởng BHYT của người bệnh sẽ ra được quy định từ ngày 1/7/2018 ra sao? Xin cho biết, hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT được quy định như thế nào?
Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc tại Buổi Giao lưu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, chương trình do BHXH VN tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội.
Về nội dung này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 22 Luật BHYT, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến trong năm 2018, được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Về hồ sơ hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, gồm các giấy tờ sau:
Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có); giấy ra viện; bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).