Cần kiểm soát chi phí thuốc bảo hiểm y tế
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam chi phí thuốc chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, việc rà soát và hoàn thiện danh mục thuốc BHYT cho phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT là hết sức quan trọng, cần phải tập trung triển khai và đưa vào thực hiện ngay trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHYT, trong đó có những quy định về thuốc BHYT luôn được quan tâm, từng bước hoàn thiện phù hợp với thực tiễn khám, chữa bệnh BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình hợp tác quốc tế của BHXH Việt Nam. Theo đó, quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng thuốc trong khám, chữa bệnh BHYT có tác động rất lớn, vừa phải bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân vừa phải tính toán bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Quỹ BHYT.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tỷ lệ chi phí thuốc trong tổng chi khám, chữa bệnh BHYT ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia. Cụ thể, ở nước ta, chi tiêu về thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi cho y tế; và tỷ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng đều cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.
Thống kê từ Ban Dược - Vật tư y tế, BHXH Việt Nam cho thấy, chi phí thuốc luôn chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí khám, chữa BHYT; giai đoạn năm 2009 - 2012, luôn chiếm khoảng 60%; tỷ lệ có xu hướng giảm xuống trong một vài năm gần đây, năm 2013 còn 54,5%, đến năm 2017 còn khoảng 34%.
Thống kê theo nhóm cơ sở khám, chữa bệnh, chi phí thuốc cao nhất với bệnh viện hạng 1 khoảng 38% tổng chi phí thuốc cả nước, bệnh viện hạng 2 chiếm 24%, bệnh viện hạng 3 chiếm 19%, bệnh viện hạng đặc biệt chiếm 10%.
Chi phí cho nhóm thuốc beta-lactam chiếm cao nhất, khoảng 19%, thuốc ung thư chiếm 10%, thuốc chế phẩm y học cổ truyền chiếm 8%... Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có chi phí cho thuốc ung thư cao nhất, lần lượt là 41% và 40%.
Yêu cầu kiểm soát
Từ những con số thống kê cho thấy thực trạng sử dụng thuốc BHYT vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc danh mục thuốc BHYT quy định tương đối rộng với 1.064 thuốc, không quy định theo tên biệt dược, không quy định nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế cụ thể như nhiều quốc gia; nhiều thuốc có giá thành cao, chi phí sử dụng lớn nhất là thuốc điều trị ung thư là những khó khăn gây ảnh hưởng trong quá trình sử dụng thuốc BHYT.
Chưa kể, còn những hạn chế khác như việc sử dụng thuốc chưa hợp lý, hiệu quả điều trị chưa rõ ràng, thuốc hỗ trợ, nhóm thuốc vitamin đang có chi phí sử dụng lớn; hệ thống thông tin về thuốc còn hạn chế, tra cứu sử dụng gặp khó khăn, chưa có nguồn thông tin chính thống.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT gặp rất nhiều khó khăn, qua thống kê cho thấy rõ, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, yêu cầu kiểm soát chi phí thuốc BHYT là rất lớn.
Để có thể khắc phục hạn chế mà công tác kiểm soát chi phí thuốc BHYT còn gặp khó khăn, theo các chuyên gia y tế, cần xây dựng danh mục thuốc hợp lý hơn với các nghiên cứu đánh giá chi phí, tính hiệu quả trên cơ sở dữ liệu bằng chứng khoa học. Đồng thời, khuyến khích sử dụng thuốc generic, thuốc sản xuất trong nước, thực hiện hiệu quả đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia nhất là thuốc biệt dược gốc, thuốc có chi phí sử dụng lớn.
Bổ sung tiêu chí, nguyên tắc quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán thuốc có giá cao, chi phí điều trị lớn, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, thuốc có chỉ định rộng rãi, thuốc có cùng tác dụng điều trị… Đối với các thuốc đã có khuyến cáo về hiệu quả điều trị chưa rõ ràng, đề nghị xem xét loại khỏi danh mục thanh toán BHYT.
Đối với nhóm thuốc có chi phí lớn như thuốc ưng thư, cần xem xét lại tỷ lệ chỉ trả hợp lý. Ngoài ra, cần thiết ban hành mã thuốc thống nhất dùng chung trên phạm vi toàn quốc, giúp thuận tiện trong công tác thống kê tổng hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Thực hiện đấu thầu tập trung đối với các thuốc sử dụng nhiều, chi phí lớn.