Từ năm 2022, lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đóng 8% BHXH bắt buộc
Đó là điểm mới của Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Tại Hội nghị thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức gần đây, ông Vũ Mạnh Chữ - Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam - thông tin, từ ngày 1/12/2018 đến 31/12/2021, người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc. Chỉ đến ngày 1/1/2022, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có trách nhiệm đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người nước ngoài lao động tại Việt Nam, về cơ bản không có vướng mắc. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trong đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới, không chỉ xử lý hiện tượng đóng trùng mà còn đảm bảo quyền lợi được hưởng. Nếu có các hiệp định song phương này sẽ hỗ trợ tốt cho người nước ngoài lao động tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.