Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) đã xác lập Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, với mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ XXI. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc phải hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại, chuyển đổi thành công phương thức tăng trưởng và phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc
“Tư tưởng của Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” là sự “kết tinh lý luận” của 5 năm thực tiễn thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc và là thành quả mới nhất của kinh tế học chính trị Trung Quốc. Nội hàm cơ bản của tư tưởng kinh tế tập trung theo hướng chuyển đổi phương thức tăng trưởng, động lực phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế theo phương châm “sáng tạo, hài hòa, màu xanh, mở cửa, cùng hưởng”, trong đó tuyến chính là “cải cách trọng cung”. Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra vào tháng 12/2017 đã nêu chủ trương thể hiện rõ hơn tư tưởng kinh tế qua 7 nội dung được gọi là “7 kiên trì”:
Thứ nhất, kiên trì tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác kinh tế, đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo đúng hướng;
Thứ hai, kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, quán triệt thúc đẩy bố cục tổng thể “5 trong 1” và bố cục chiến lược “4 toàn diện”;
Thứ ba, kiên trì thích ứng, nắm chắc và dẫn dắt trạng thái mới trong phát triển kinh tế, dựa trên đại cục, nắm vững quy luật;
Thứ tư, kiên trì thúc đẩy thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân phối các nguồn lực, phát huy tốt hơn nữa vai trò của chính phủ, kiên quyết loại bỏ những trở ngại về cơ chế, thể chế đối với phát triển kinh tế;
Thứ năm, kiên trì thích ứng với sự thay đổi của những mâu thuẫn chủ yếu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, hoàn thiện điều tiết vĩ mô, tùy cơ ứng biến, đưa ra biện pháp thích hợp, lấy cải cách cơ cấu nguồn cung làm tuyến chính trong công tác kinh tế;
Thứ sáu, kiên trì chiến lược mới về phát triển kinh tế, nhằm thẳng vào những vấn đề cụ thể, tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc;
Thứ bảy, kiên trì sách lược và phương pháp công tác đúng đắn, đạt được tiến triển trong khi vẫn giữ vững sự ổn định, duy trì trọng tâm chiến lược, kiên trì tư duy giới hạn đỏ, tiến bước một cách vững chắc.
Tư tưởng kinh tế nêu trên gắn với việc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa được Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu, gồm 6 nhiệm vụ lớn: Đi sâu cải cách kết cấu trọng cung; Đẩy nhanh xây dựng nhà nước kiểu sáng tạo; Thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; Thực thi chiến lược phát triển hài hòa khu vực; Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN; Thúc đẩy cục diện mới mở cửa toàn diện. Hệ thống kinh tế hiện đại hóa là cốt lõi cho sự thành bại của kinh tế Trung Quốc trong mục tiêu cường quốc.
Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình được Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc tháng 12/2017 xác định cụ thể hơn qua 8 công tác trọng điểm và 3 trận chiến công kiên. Cụ thể, 8 công tác trọng điểm bao gồm: (i) Đi sâu cải cách trọng cung; (ii) Kích hoạt sức sống các chủ thể thị trường; (iii) Thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; (iv) Thực thi chiến lược phát triển hài hòa khu vực; (v) Thúc đẩy cục diện mới mở cửa toàn diện; (vi) Nâng cao bảo đảm và cải thiện trình độ dân sinh; (vii) Đẩy nhanh xây dựng chế độ nhà ở đa chủ thể cung ứng, nhiều kênh bảo đảm, thuê mua song song; (viii) Thúc đẩy xây dựng văn minh sinh thái. Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra kể từ năm 2018 đối với vận hành kinh tế Trung Quốc là vượt qua 3 “trận chiến”: (i) Phòng ngừa hóa giải rủi ro lớn; (ii) Xóa đói giảm nghèo chuẩn xác; (iii) Phòng chống ô nhiễm.
Có thể thấy, tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình tập trung vào chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, tìm kiếm động lực mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế chuyển từ “tăng trưởng cao” sang “chất lượng cao”.
Thành tựu và triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc
Từ khi bước sang thập niên thứ hai thế kỷ XXI đến nay, kinh tế Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu. Về tăng trưởng kinh tế, năm 2017, GDP của Trung Quốc đạt 82.712,2 tỷ NDT, tăng 6,9% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc trong giai đoạn (2013-2017) là 7,1% so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 2,6% và 4% của các nền kinh tế đang phát triển. Mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng thế giới trong giai đoạn (2013-2017) là khoảng 30%, lớn nhất trong số tất cả các quốc gia và cao hơn cả tổng mức đóng góp của Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản.
Sáng tạo trở thành một điểm sáng trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, động lực mới cho phát triển kinh tế của Trung Quốc. Mức chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tăng 52,2% kể từ năm 2012, đạt 1.570 tỷ NDT vào năm 2016. Tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong GDP tăng từ 1,91% lên 2,11% (từ năm 2012 đến 2016). Số lượng các đơn xin cấp bằng sáng chế mà Trung Quốc nhận được trong năm 2016 đã tăng 69% kể từ năm 2012, trong khi số bằng sáng chế được cấp năm 2016 tăng 39,7% kể từ năm 2012. Năm 2017, chi cho R&D của Trung Quốc là 1.750 tỷ NDT, tăng 11,6% so với năm 2016.
Từ năm 2013, Trung Quốc đã trở thành quốc gia hàng đầu trên toàn cầu về doanh số bán robot công nghiệp. Cường quốc robot sẽ là một nhiệm vụ chiến lược cho Trung Quốc để thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025”. Năm 2016, Trung Quốc đầu tư cho R&D là 1.567,67 tỷ NDT; tài chính cho khoa học công nghệ (KHCN) là 776,07 tỷ NDT. Năm 2016, thế giới có 53 doanh nghiệp (DN) KHCN tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong đó, Trung Quốc có 18 DN. Năm 2016, Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm KHCN cao đứng đầu châu Á.
Về kinh tế đối ngoại, giá trị thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt 24,3 nghìn tỷ NDT vào năm 2016, chiếm hơn 11% tổng khối lượng thương mại toàn cầu. Giá trị thương mại dịch vụ là 657,5 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2012, tăng trưởng trung bình hàng năm là 8,1%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài với tỷ lệ tăng hàng năm là 3,1% lên 489,4 tỷ USD trong giai đoạn (2013-2016). Năm 2017, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 27.792,3 tỷ NDT, tăng 14,2% so với năm 2016.
Thu nhập người dân Trung Quốc ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của cư dân đã tăng từ 7.311 NDT năm 2012 lên 23.821 NDT năm 2016, tỷ lệ tăng hàng năm là 7,4%. Năm 2017, thu nhập bình quân cư dân đạt 25.974 NDT. Số người nghèo ở nông thôn giảm xuống còn 43,35 triệu người năm 2016, so với mức 98,99 triệu người năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn ở khu vực nghèo tăng bình quân 10,7% trong giai đoạn (2013-2016), tăng nhanh hơn mức bình quân 8% đối với tất cả người dân nông thôn.
Cải cách trọng cung là tuyến chính trong các chủ trương, giải pháp cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình. Cải cách kết cấu trọng cung theo quan điểm Trung Quốc là cải cách với xuất phát điểm nâng cao chất lượng nguồn cung, tăng cường tính thích ứng và linh hoạt của cơ cấu nguồn cung, nâng cao yếu tố năng suất lao động, làm cho việc phân bổ các nguồn lực như lao động, đất đai, vốn... có hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn vào chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. 5 nhiệm vụ chính của cải cách kết cấu trọng cung bao gồm: Giải quyết vấn đề sản xuất thừa, giúp DN giảm chi phí; giảm tồn kho bất động sản; tăng hiệu quả nguồn cung; phòng ngừa các rủi ro tài chính.
Cải cách trọng cung là thực thi ưu hóa kết cấu cung, tăng điều tiết vĩ mô từ tầm nhìn trung và dài hạn để nguồn cung thực sự hiệu quả. Bên cạnh việc cung cấp các động lực phát triển mới, cải cách kết cấu trọng cung cần thực hiện việc giảm dư thừa công suất, giảm chi phí là những nhiệm vụ trọng điểm. Nhà nước Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách tài chính tích cực, với việc giảm thuế để giúp phát triển nền kinh tế thực; Sẽ có nhiều biện pháp mạnh hơn trong việc triển khai thực hiện rộng rãi toàn quốc cải cách kết cấu trọng cung nhằm khắc phục nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.
Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội lần thứ XIII của Trung Quốc cũng xác định cải cách trọng cung là vấn đề cốt lõi phát triển lâu dài ổn định của kinh tế Trung Quốc. Quy hoạch 5 năm cũng đưa ra quan điểm “sáng tạo, hài hòa, màu xanh, mở cửa, cùng hưởng”, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi về chất phải dựa vào động lực sáng tạo.
Chủ trương, giải pháp cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình dựa vào triển khai 3 chiến lược lớn: “Vành đai, con đường”; phát triển vùng Bắc Kinh-Hà Bắc-Thiên Tân với sự ra đời của đặc khu Hùng An; vành đai kinh tế Trường Giang. Trong đó, chiến lược “Vành đai, con đường” là chiến lược đa mục tiêu, vừa thúc đẩy phát triển, vừa mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Những năm gần đây, chiến lược “Vành đai, con đường” được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2016, Trung Quốc đầu tư trực tiếp đối với các nước dọc “Vành đai, con đường” là 14,5 tỷ USD, lũy kế đạt 18,5 tỷ USD.
Năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (không bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) đạt 120,1 tỷ USD, trong đó đầu tư đối với các nước theo tuyến “Vành đai, con đường” đạt 14,4 tỷ USD. Doanh thu công trình đấu thầu ở nước ngoài đạt 168,6 tỷ USD, trong đó doanh thu các công trình tại các nước dọc theo tuyến “Vành đai, con đường” đạt 85,5 tỷ USD, tăng 12,6%, chiếm 50,7% tổng mức doanh thu các công trình đấu thầu ở nước ngoài của Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh mới
Cải cách trọng cung được xem là bước phát triển của lý thuyết kinh tế học chính trị Trung Quốc, là cơ sở thực tiễn và lý luận cho tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình. Thời gian qua, kinh tế Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện chuyển từ tăng trưởng về lượng sang tăng trưởng về chất, xoay quanh các yêu cầu như thúc đẩy chuyển đổi phương thức, điều chỉnh kết cấu kinh tế, gây dựng các ngành nghề mới, phát triển ngành dịch vụ hiện đại, thúc đẩy ngành nghề và sản phẩm dịch chuyển lên vị trí cao vừa trong chuỗi giá trị, tạo sự phát triển dựa nhiều hơn vào sáng tạo.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp, mất cân bằng, không hợp lý và thiếu bền vững. Vấn đề nợ công và vấn đề sản xuất thừa vẫn chưa được giải quyết. Do tăng trưởng tốc độ cao trong một thời gian dài, những hệ lụy để lại cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa giải quyết triệt để, chưa khắc phục kịp như cạn kiệt các nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, mức độ chênh lệch giàu nghèo cao, phát triển không cân đối… vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, hướng tới thu nhập cao, chất lượng cao… vẫn là thách thức lớn.
Đây là vấn đề và mục tiêu trung dài hạn. Trung Quốc phải giải quyết tốt các cặp quan hệ như cung và cầu; Nhà nước và thị trường; đầu vào và đầu ra; trong nước và nước ngoài; công bằng và hiệu quả, đặc biệt là hóa giải các rủi ro khủng hoảng, trong đó rủi ro về tài chính được xếp hàng đầu. Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg là Fielding Chen và Tom Orlik ước tính, tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt 327% GDP vào năm 2022. Điều này sẽ khiến Trung Quốc trở thành một trong những “con nợ” lớn nhất nhất thế giới.
Sau Hội nghị tiền tệ năm 2017, Trung Quốc đã tập trung vào xử lý những rủi ro về tài chính, tiền tệ, thắt chặt hơn các quy định về tài chính, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động tài chính bất động sản, giao dịch ngân hàng… Hội nghị công tác kinh tế Trung ương vào cuối năm 2017 xác định 2018 là năm quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, là năm mở đầu việc thực hiện quán triệt tinh thần Đại hội XIX Đảng cộng sản Trung Quốc, là năm kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa; Năm then chốt của Trung Quốc trong việc thực thi quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ XIII.
Do vậy, Trung Quốc chủ trương thực hiện xây dựng nền kinh tế ổn định. Hội nghị xác định rõ làm tốt công tác kinh tế năm 2018 là kiên trì tư tưởng “tiến lên trong ổn định”. Để thực hiện tư tưởng này, kinh tế Trung Quốc cần điều chỉnh tối ưu hóa kết cấu thu chi tài chính, duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, phát triển lành mạnh thị trường vốn, tăng cường phát triển sáng tạo, phát huy vai trò tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư hiệu quả, chú trọng phát triển dân sinh, tăng cường cải cách mở cửa, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế.
Báo cáo công tác Chính phủ năm 2018, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương và giải pháp thực hiện chủ trương kinh tế “tiến lên trong ổn định”: Thúc đẩy cải cách cơ cấu trọng cung; đẩy mạnh xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia; đi sâu cải cách trong các lĩnh vực then chốt; đánh thắng 3 “trận chiến” công kiên; thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn, chiến lược phát triển phối hợp vùng miền; mở rộng tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư hiệu quả; thúc đẩy bố cục mới mở cửa toàn diện, đặc biệt là hợp tác quốc tế “Vành đai, con đường”... Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 ở mức 6,5%.
Trung Quốc thúc đẩy cải cách kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến đổi nhanh chóng và khó lường. Đặc biệt, vấn đề nổi lên tại thời điểm hiện nay là sự đối nghịch giữa xu hướng đẩy mạnh toàn cầu hóa kinh tế và chống toàn cầu hóa kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc, dân túy... là cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực và trên thế giới, trong đó cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ đối mặt với nhiều nhân tố bất định.
Sự chuẩn bị của Việt Nam
Mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu thay đổi với tăng trưởng được thúc đẩy bởi tiêu thụ trong nước. Dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024. Với dân số hơn 1,3 tỷ người và đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế về điều kiện tự nhiên như nông, thủy hải sản và một số mặt hàng tiêu dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Chính trị Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc;
2. Công báo thống kê Trung Quốc năm 2017;
3. Thông tin Hội nghị tiền tệ Trung Quốc 2017;
4. Thông tin Hội nghị kinh tế Trung ương Trung Quốc năm 2018;
5. Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2018;
6. Economic Outlook for Southeast Asia, China and India 2018.