Tuần "đau tim" của cổ phiếu bất động sản
Cổ phiếu bất động sản đua nhau giảm sàn trong phiên thứ 4, mang tới lo ngại về sự thoái trào của dòng cổ phiếu quan trọng này. Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa và những diễn biến trong 2 phiên cuối tuần phần nào thể hiện xu hướng khả quan.
Tuần vừa qua là một tuần giao dịch nhiều cảm xúc, khi chỉ số VN-Index tiếp tục tìm kiếm đỉnh mới, cùng thanh khoản ở mức cao.
Đặc biệt, trong phiên thứ 4, thanh khoản toàn thị trường lên tới 52.000 tỷ đồng, cao nhất lịch sử. Trong phiên này chứng kiến sự bán tháo mạnh mẽ của các nhóm ngành tăng nóng thời gian qua, điển hình nhất là bất động sản, với hàng chục mã giảm sàn trên cả 3 phiên. Nhiều mã vốn midcaps "trắng bên mua". Dòng tiền có xu hướng chuyển sang nhóm ngân hàng, đẩy nhiều mã tăng mạnh, thậm chí dư mua trần, là phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu ngân hàng từ đáy tháng 7.
Diễn biến này mang tới nhiều nhận định về việc cổ phiếu bất động sản sẽ rơi vào trạng thái thoái trào, điều chỉnh sâu. Tuy nhiên sau khi giảm mạnh theo quán tính vào đầu phiên thứ Năm, các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp, xây dựng đã hồi phục khá mạnh trong phiên chiều thứ Năm cũng như phiên thứ Sáu.
Tính cho cả tuần qua, có 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. VHM từ trụ cột chính trong tuần trước đã trở thành cổ phiếu kéo chân VN-Index nhiều nhất với 3,9 điểm.
Bên cạnh VHM, một số cổ phiếu bất động sản có vốn hóa lớn khác như NVL, KDH cũng lần lượt kéo giảm chỉ số 1,6 điểm và 0,4 điểm.
Dù đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại vào cuối tuần, song so với tuần trước, cổ phiếu của VHM, NVL, KDH, NTL.. vẫn giảm mạnh lần lượt 4%, 4%, 5,5% và 7,4%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đã có một tuần giao dịch tích cực. Đà tăng của nhóm này chủ yếu dựa trên kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục mạnh khi nền kinh tế bước sang giai đoạn "bình thường mới".
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11, cổ phiếu IDC tăng mạnh 17% so với phiên ngày 29/10, trong khi VGC, GVR hay KBC tăng lần lượt 4%, 0,7% và 0,7%.
Trong thời gian tới, cổ phiếu bất động sản công nghiệp vẫn được giới phân tích khuyến nghị nắm giữ dài hạn, đặc biệt lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ các lợi thế tiềm lực tài chính và quỹ đất lớn.
Trong tuần qua, các cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng đã đảo chiều hồi phục trở lại sau những phiên điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên, đà tăng vẫn còn khá hạn chế. Kết thúc phiên 5/11, đa phần các mã lớn trong nhóm đều sụt giảm so với cuối tháng 10.
So với giá cổ phiếu ngày 29/10, PLC giảm mạnh 7% trong khi BCC, NKG, HT1 lần lượt mất 5,4%, 5,3% và 3%.
Tuy nhiên, vào những tháng cuối của 2021, VDSC vẫn kỳ vọng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu, bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhờ vào việc giải ngân gói hỗ trợ.
Ngoài ra, VDSC cũng nhận thấy triển vọng khả quan trong dài hạn của nhóm cổ phiếu liên quan tới hoạt động đầu tư công, vốn được coi cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế kể từ khi đại dịch bùng phát. Những ngành hưởng lợi trực tiếp có thể kể đến là nhóm vật liệu và xây dựng hạ tầng, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp có quỹ đất ở gần những công trình hạ tầng được phát triển.
Dù vậy, đa số các cổ phiếu trên đều đã có mức tăng giá mạnh kể từ đầu năm. Do đó, VDSC lưu ý nhà đầu tư có thể giải ngân khi định giá cổ phiếu điều chỉnh về gần mức trung bình quá khứ để có vị thế an toàn trong câu chuyện tăng trưởng nhiều tiềm năng trong dài hạn.