Tuần lễ cấp cao APEC: Thông điệp đối tác tin cậy
Ngày 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy” đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Ariyana (ACC), TP. Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC, theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Điểm đến thân thiện
Tham dự Hội nghị có khoảng 2.000 đại biểu là đại diện của các tổ chức quốc tế uy tín, các học giả và lãnh đạo doanh nghiệp lớn đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và toàn cầu. Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra 4 phiên thảo luận, trong đó có các phiên thảo luận mang chủ đề Việt Nam - Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững; Việt Nam - Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp và hai phiên thảo luận chuyên đề về: Nông nghiệp thông minh; dịch vụ tài chính; y tế và giáo dục; kết cấu hạ tầng; du lịch và đặc khu kinh tế; doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Hội nghị là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu các chính sách phát triển kinh tế và những tiềm năng hợp tác, đầu tư ở Việt Nam. Sự kiện này cũng là dịp để các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối và chia sẻ thông tin về các xu hướng thương mại, hội nhập, cũng như kinh nghiệm hợp tác ở Việt Nam và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Song song với Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Việt Nam là triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư mang tên “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng”, nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế đa dạng trên các ngành: Nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… của các tỉnh, thành phố; trưng bày các thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam; quảng bá và giới thiệu sản phẩm truyền thống và sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam.
Sự ghi nhận của quốc tế
Tại phiên thảo luận đầu tiên, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rosler đã đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông Rosler cho biết, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do WEF vừa công bố ghi nhận bước nhảy vọt của hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia.
Cụ thể, Việt Nam đã vươn lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Việt Nam cũng được đánh giá là có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, hiệu quả của thị trường lao động. Ông Philipp Rosler cho biết, để đánh giá năng lực cạnh tranh chính xác, WEF đã xác định một loạt chỉ số: Vai trò của khu vực công là bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống tham nhũng và khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển kinh tế, doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh.
Trách nhiệm của khu vực công là tạo ra khung pháp lý đúng đắn và trách nhiệm của doanh nghiệp là “đem lại sức sống cho khung pháp lý này”, tạo việc làm, tạo lợi nhuận, giảm thua lỗ... Ông Rosler nhận định, thành tích của Việt Nam 5 năm qua đã cho thấy sự hợp tác tuyệt vời giữa khu vực công và tư. Đó là phương cách đúng đắn để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, để môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam hấp dẫn hơn nữa, ông Rosler đề nghị, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để hợp tác công - tư (PPP) phát triển mạnh mẽ hơn. Giám đốc điều hành WEF cũng cho rằng, tài sản lớn nhất của Việt Nam là người dân, nhất là giới trẻ.
Nâng cao trình độ, kỹ năng cho tầng lớp thanh niên là biện pháp tốt nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đây là trách nhiệm của cả khu vực công và tư. Ông Rosler nhấn mạnh, đào tạo nghề chính là hình mẫu thể hiện rõ ràng hiệu quả của mô hình đối tác công - tư. Vì vậy, hai khu vực cần tiếp tục hợp tác trong tương lai.
Chủ động trước thách thức
Trong phát biểu với chủ đề “Ưu tiên của Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững và bao trùm”, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Victoria Kwakwa chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những cải thiện trên nhiều lĩnh vực. Báo cáo của WB cho thấy, quá trình chuyển đổi kinh tế 30 năm qua, Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh và toàn diện. Các cải cách kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7%/năm, mức thu nhập của người dân cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, bà Kwakwa cho rằng, thành công của Việt Nam không thể coi là điều hiển nhiên và Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị trước những thách thức. Tăng trưởng hiện nay của Việt Nam tương đối bền vững song vẫn còn thấp để đáp ứng tham vọng mà Chính phủ đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng lực lượng lao động thấp hơn, tăng trưởng đầu tư yếu hơn và tăng trưởng năng suất thấp hơn.
Theo chuyên gia này, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn cho nền kinh tế kỹ thuật số. Các quy trình công nghệ sản xuất mới, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT), người máy, in 3D đang phát triển khắp mọi nơi trên thế giới. Không còn cách nào khác, Việt Nam phải hướng đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất. Ba trụ cột của mô hình này là đầu tư vào con người, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện thể chế chính sách.
Trong đó, đầu tư cho con người đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chậm lại. Dữ liệu của WB cho biết, tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam vẫn thấp. Theo bà Kwakwa, đầu tư vào con người tức là phải đầu tư vào các kỹ năng và lực lượng lao động thế kỷ XXI, bao gồm hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông; giáo dục đại học bảo đảm phù hợp và chất lượng
Với hai trụ cột còn lại, theo gợi ý của WB, Việt Nam nên phát triển cơ sở hạ tầng với các điểm then chốt gồm ngành điện bền vững, các thành phố đáng sống - cạnh tranh và sự kết nối. Việc này có thể triển khai bằng cách huy động nguồn tài chính có sự tham gia của khu vực tư nhân. Trong khi đó, cải cách thể chế phải hướng đến một nền quản trị kinh tế hiện đại, được nhận diện bằng các yếu tố như thể chế thị trường với sân chơi bình đẳng, môi trường pháp luật cạnh tranh.