Tỉnh Ninh Thuận:

Từng bước phục hồi, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Theo Xuân Bình/Báo Ninh Thuận

Hai tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Ninh Thuận cơ bản ổn định, có bước phục hồi và phát triển tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trở lại trạng thái "bình thường mới".

Nhà máy điện gió Trung Nam. Ảnh: H.Lâm
Nhà máy điện gió Trung Nam. Ảnh: H.Lâm

Kết quả, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số ấn tượng, trong đó ngành công nghiệp chế biến tập trung sản xuất trở lại sau tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động thích ứng với dịch COVID-19 trong tình hình mới, nhanh chóng khôi phục, duy trì hoạt động bình thường. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tình hình hoạt động của DN trong những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tốt sau năm 2021 ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19. Lũy kế 2 tháng đầu năm có 60 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 731,4 tỷ đồng, tăng 39,5% số DN và số vốn đăng ký tăng 10,3%; số DN quay trở lại hoạt động tăng 115%; có 14 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 31,6% và có 73 DN tạm ngừng hoạt động, giảm 16,1% so cùng kỳ.

Lĩnh vực thương mại, giá cả, dịch vụ hoạt động sôi động trở lại và tăng trưởng cao. Tháng 2 là tháng trùng với tết Nguyên đán, nhiều ngành dịch vụ lại được tháo bỏ rào cản phòng chống dịch nên tình hình kinh doanh sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đạt 4.927,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.985,6 tỷ đồng, chiếm 80,9% tổng mức và tăng 14%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 575,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng mức và tăng 1,1%; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 365,8 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng mức và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tiếp tục ổn định và an toàn. Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với tháng trước và cuối năm 2021. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 2-2022, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 0,34% so với cuối năm 2021, bằng 89,6% kế hoạch năm 2022.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 33.900 tỷ đồng, tăng tăng 1,69% so với cuối năm 2021, bằng 88,4% kế hoạch năm 2022. Dư nợ xấu trên địa bàn 210 tỷ đồng, giảm 0,01% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 290,7 tỷ đồng, đạt 11,7% kế hoạch năm và tăng 103,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong các năm 2018-2022. Công tác thu, chi ngân sách được đảm bảo kế hoạch và đáp ứng kịp thời việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

Để phục hồi và phát triển KT-XH thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2022, thời gian đến, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành, các địa phương cần triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung triển khai các Nghị quyết của Tỉnh ủy đảm bảo có chất lượng và hiệu quả; tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhất là Quyết định số 21/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận về Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Tổ chức triển khai, kịp thời cụ thể hóa Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ đảm bảo khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số; huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh Ninh Thuận.