Tỷ giá “leo thang”, có lo lạm phát tăng tốc?
Khác với sự bình lặng trong năm 2017, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, tỷ giá trong nước đã có dấu hiệu “nóng” dần lên.
Trong mấy phiên gần đây, cả tỷ giá trung tâm và giá USD tại các ngân hàng đều được điều chỉnh tăng khá mạnh.
Trong khi tỷ giá trung tâm sáng nay được điều chỉnh tăng tới 15 đồng, lên mức cao kỷ lục 22.463 đồng thì tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra cao nhất đã chính thức lập mốc 22.795 đồng.
So với một tuần trước (21/2), tức ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 20 đồng, tương đương 0,18% trong khi tỷ giá tại Vietcombank cũng tăng từ mức 22.665-22.735 đồng lên 22.715-22.785 đồng vào thời điểm hiện tại, tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, tương đương tăng 0,1% chỉ trong 5 ngày làm việc.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đồng USD cũng vừa có phiên tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần sau phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội của Chủ tịch FED Jerome Powell.
Người đứng đầu FED cho biết, ông ủng hộ việc bình thường hóa dần dần chính sách tiền tệ, và rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt và có ít rủi ro rơi vào suy thoái.
Thị trường tiền tệ, chứng khoán và nợ toàn cầu cũng đang bị rúng động bởi nỗi lo lạm phát Mỹ tăng và điều này có thể khiến FED tăng lãi suất hơn 3 lần trong năm nay như dự kiến. Điều này được dự báo cũng sẽ tạo áp lực lớn lên tiền đồng.
Hàng loạt yếu tố “đẩy” tỷ giá
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong những phiên vừa qua, tỷ giá trong nước đã bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
“Các yếu tố bên ngoài bao gồm các thông điệp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, ngay cả thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng giảm điểm. Nếu lãi suất USD tăng thì giá trị USD tăng theo, gây áp lực lên tỷ giá.
Các yếu tố khác bao gồm bất ổn trên chính trường quốc tế, điều này có thể tạo ra các khủng hoảng từ đó đẩy giá trị đồng USD nên đẩy tỷ giá”, TS. Hiếu nói.
Về các yếu tố nội tại của nền kinh tế, chuyên gia cho rằng việc tiếp tục áp dụng lãi suất tiền gửi USD bằng 0% cũng là một áp lực tăng tỷ giá.
“Việc không trả lãi suất cho tiền gửi USD thì đúng với chủ trương chống đô la hoá, nhưng mặt khác lại tạo áp lực lên tỷ giá do các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động USD”, chuyên gia cho hay.
Trong khi đó, vấn đề nhập khẩu là một khâu quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Nhập khẩu nhiều thì nhu cầu ngoại tệ cũng sẽ tăng lên. Đó là còn chưa kể đến trả nợ công bằng ngoại tệ ngày càng lớn, mỗi năm Chính phủ đều cần một lượng ngoại tệ lớn trả nợ nước ngoài. Cầu ngoại tệ lớn trong khi nguồn cung hạn chế càng gây áp lực lên tỷ giá.
Trước đó, từ hồi cuối năm 2015, NHNN đã công bố quyết định hạ lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%/năm đối với các cá nhân, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với các doanh nghiệp gần 3 tháng trước đó.
Động thái này của Nhà điều hành được cho là nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục có những đợt biến động mạnh khi Fed quyết định tăng lãi suất.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, rất nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình vĩ mô đã ổn định trở lại, chính sách lãi suất 0% đã hoàn thành sứ mệnh và không còn phù hợp với tình hình mới. Theo đó, cần nâng lãi suất USD để huy động nguồn lực trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước ngày càng cao.
Có lo lạm phát tăng tốc?
Lý thuyết và thực tế đều đã chứng minh giữa lạm phát và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, song hành cùng sự biến động bất thường của tỷ giá sẽ là sự biến động của lạm phát.
Việc tỷ giá tăng cao như trong thời gian gần đây rõ ràng có thể có những ảnh hưởng nhất định tới tình hình lạm phát.
Theo TS. Hiếu, khi tỷ giá tăng làm cho giá hàng nhập khẩu tăng, từ đó dẫn đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước hay chỉ số CPI tăng lên. Ngoài ra, một số hàng hóa nhập khẩu cũng là nguyên liệu đầu vào của một số đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng trong nước làm giá các loại hàng hòa này tăng lên.
Theo kế hoạch, thì lạm phát năm 2018 được kỳ vọng sẽ được kiểm soát ở mức 4%. Theo chuyên gia, kế hoạch này là khả thi, nhưng với những biến động khó lường cả trên thị trường thế giới và trong nước, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần những chỉ đạo, điều hành linh hoạt hơn.