USD tăng giá - chỉ là hiện tượng tâm lý?
Hiện tượng tỷ giá ngoại tệ - chủ yếu là USD tăng liên tục trong tuần qua với tốc độ chóng mặt, khiến xuất hiện những đồn đoán đầy âu lo. Vậy những nhân tố nào gây nên hiện tượng này? Và liệu có thể giải mã tình trạng tăng giá bất thường so với diễn biến từ đầu năm đến nay, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá trung tâm làm công cụ chính để điều hành tỷ giá?
Trong những ngày qua, tỷ giá giữa tiền đồng với USD đã tăng gần 1,3% so với đầu tháng 11, tăng 1,6% so với đầu năm và nếu chỉ tính riêng trong vòng 1 tuần, thì con số này là 2%. Vậy những nhân tố nào gây ảnh hưởng đến các con số này?
Theo quan sát, tác động này chủ yếu đến từ thị trường thế giới, đặc biệt liên quan đến diễn biến của chính trường Mỹ. Từ sau cuộc bầu cử Mỹ, đồng USD liên tục tăng giá so với các ngoại tệ khác và bắt đầu xuất hiện những dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản của đồng USD.
Đỉnh điểm của những dự báo này là thông tin từ FED đầu tuần qua cho rằng: Các chỉ số để dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD đã chín muồi, và thời điểm tăng giá thích hợp nhất là trong phiên họp cuối năm của FED dự kiến trong hai ngày 13 - 14/12 tới. Chính vì thông tin này, mà hiện tượng tâm lý “lo xa”, “ăn theo” và “đầu cơ” đã có cơ trỗi dậy mạnh mẽ ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ngay lập tức khẳng định: “đây chỉ là hiện tượng tâm lý”. Vì cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn rất ổn định. Năng lực cung ứng ngoại tệ cho thị trường của các ngân hàng thương mại vẫn bảo đảm. Nếu cần Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ra để ổn định thị trường…
Ngay sau công bố này, thị trường đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Một số ngân hàng như MB, BIDV, Eximbank đã giảm ngay từ 20 đến 80 đồng/1USD so với những ngày trước đó. Đây là động thái dễ hiểu, vì nếu quan sát thị trường trong nước thì các chỉ số có thể tác động đến tỷ giá đang khá tích cực.
Thậm chí, nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào như: Thặng dư thương mại 10 tháng qua đang dương, xuất siêu 3,2 tỷ USD; giải ngân vốn FDI cũng đạt mức 12,7 tỷ USD, nguồn kiều hối dự báo cả năm nay sẽ đạt 14 tỷ USD, chưa kể một con số rất ấn tượng khác, đó là dự trữ ngoại tệ đến thời điểm này đạt 41 tỷ USD, cao gấp gần 7 lần so với 10 năm trước.
Đây là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá ngoại tệ, mà Ngân hàng Nhà nước luôn tự tin để kiểm soát tỷ giá trung tâm cho phù hợp với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô.
Giới chuyên gia kinh tế lại đang khá bình thản với những nhảy múa của tỷ giá trong tuần qua. Bởi lẽ, nếu FED có quyết định tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 thì cũng sẽ không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá vì dòng vốn vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn có quy mô nhỏ nên cũng không gây ảnh hưởng lớn được đến thị trường ngoại tệ trong nước.
Chưa kể đến sự sẵn sàng và khả năng linh hoạt trong điều hành của nhà điều hành chính sách tiền tệ. Một chỉ số nhiều ý nghĩa củng cố cho nhận định này là: Dòng vốn huy động từ tiền gửi của các ngân hàng vẫn tăng đều và khá mạnh, dù lãi suất đang có xu hướng giảm. Điều này khẳng định, niềm tin của xã hội vào tiền đồng đang được củng cố và gia tăng.