Tỷ giá trên thị trường chính thức và tự do giảm: Tác động ngắn hạn, thách thức dài hạn?

Theo HNM

Những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND lên, xuống thất thường, đặc biệt ngày 20-5, tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức (18.960 VND/1USD - 19.010 VND/1USD) và thị trường tự do (18.970 VND/1USD - 19.000 VND/1USD) đều giảm so với những ngày trước đó. Sự biến động của tỷ giá trong thời gian gần đây sẽ tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế?

 

Biến động tỷ giá: Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia, chỉ cần làm một phép tính đơn giản thế này, nếu vay 950 triệu đồng tiền Việt Nam, mỗi tháng phải trả lãi khoảng 11 triệu đến 14,5 triệu đồng theo mức lãi suất thỏa thuận (16%-18%/năm). Nhưng nếu vay 50.000 USD theo lãi suất 6%/năm, chỉ phải trả lãi 250 USD/tháng (tương đương 4,75 triệu đồng). Vậy là vay USD được lợi khoảng 7 đến 9,5 triệu đồng so với vay VND. Với người gửi tiết kiệm, việc tính toán cũng như thế. Nếu gửi 950 triệu đồng, lãi một tháng gửi là hơn 9 triệu đồng (theo lãi suất 11,5%/năm); chuyển số tiền đó sang USD được khoảng 50.000 USD rồi đem gửi ngân hàng thu lãi hơn 187 USD/tháng theo lãi suất 4,5%/năm (tương đương hơn 3,5 triệu đồng). Như vậy là người gửi tiền nên chọn gửi bằng VND, trong khi đi vay sẽ chọn USD. Nếu người gửi tiền chỉ có USD, họ phải bán đi để lấy VND gửi ngân hàng, trong khi người vay nếu cần VND sẽ đi vay USD rồi bán lại lấy VND.

Từ thực tế trên dẫn đến tình trạng nguồn cung USD tăng, đẩy tỷ giá giao ngay trên thị trường ngoại tệ giảm, góp phần hạ nhiệt căng thẳng tỷ giá trong thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tỷ giá giảm chỉ có tác dụng tạm thời trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo ra các chu kỳ có tính rủi ro trong dài hạn. Bởi theo ngành chức năng, dư nợ bằng ngoại tệ đã tăng 14,07% so với tháng 12-2009. Việc các DN vay ngoại tệ, thay vì nội tệ trong ngắn hạn sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay ngoại tệ và giảm lãi suất cho vay nội tệ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ để thanh toán cho hàng nhập khẩu, trong khi số khác bán lượng ngoại tệ này để lấy nội tệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư... đã làm cho hoạt động của thị trường ngoại hối sẽ không theo quy luật bình thường.

Lợi bất cập hại?

Ngoài ra, việc thay đổi lãi suất do sự thay đổi của các yếu tố vĩ mô, như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cán cân thanh toán, hay sự điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa cũng sẽ làm thay đổi tỷ giá kỳ hạn. Các DN có thể sử dụng phương pháp đơn giản để tính toán các khả năng có thể và khi đó các tính toán ở trên có thể sẽ lợi bất cập hại. Tức là, nếu tỷ giá tăng, khoản lợi về chi phí lãi trên thị trường tiền tệ chưa hẳn đã bù được cho khoản thiệt hại tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Theo các chuyên gia, tỷ giá giảm sẽ không khuyến khích xuất khẩu, trong khi lại khuyến khích nhập khẩu, gây áp lực lớn lên cán cân thương mại.

Theo Bộ Công thương, quý I-2010, nhập siêu đã đạt mức 3,5 tỷ USD, bằng 25% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 17,5 tỷ USD (tăng 37,6% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 14,01 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Dưới cơ chế tỷ giá thả nổi, nhu cầu nhập khẩu tăng lên, trong khi xuất khẩu giảm sẽ gây áp lực tăng tỷ giá, tức là tạo ra cơ chế tự điều chỉnh cho cán cân thương mại. Song nhìn tổng thể sẽ thấy, việc tỷ giá giảm hiện nay chỉ có tính chất ngắn hạn và không bền vững. Nếu so với giai đoạn nửa đầu năm 2007, tỷ giá giảm là do dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh (khoảng 9 tỷ USD), việc tỷ giá giảm hiện nay không phải do yếu tố làm tăng tổng cung ngoại tệ trong nền kinh tế mà là sự điều chỉnh tạm thời sự mất cân đối trên thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh ngắn hạn của tỷ giá sẽ làm tăng rủi ro trong các hoạt động kinh doanh, tạo ra những chu kỳ kinh tế có tính bất ổn cao. Điều đáng tiếc là hiện nay không mấy DN ở nước ta sử dụng các công cụ phái sinh, như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hay quyền chọn để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Trong khi đó, những thách thức mới với ngành chức năng về vấn đề này mới chỉ bắt đầu. Khi các khoản nợ bằng USD đến hạn, áp lực nảy sinh và rủi ro không chỉ với các DN không có nguồn thu ngoại tệ, mà còn gây trở ngại đối với cả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.