Tỷ giá trung tâm nhích nhẹ
Tính đến 9h30 sáng ngày 18/12, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.883 VND/USD, tăng 1 đồng so với phiên trước.
Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN trong sáng 18/12 ở mức 23.400 - 25.027 VND/USD (giá mua - bán), đi ngang chiều mua và tăng 1 đồng ở chiều bán so với phiên trước đó. Với biên độ +/- 5%, tỷ giá trần là 25.077 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.688 VND/USD.
Trong phiên sáng 18/12, giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng/giảm đen xem nhưng chủ yếu là tăng với biên độ phổ biến từ 20 - 40 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h30 sáng, giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.070 - 24.440 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với phiên trước.
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 24.100 - 24.400 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng so với phiên liền trước.
Khảo sát lúc 9h30 cho thấy, đồng USD trên thị trường tự do giao dịch ở mức 24.640 - 24.740 VND/USD, tăng 90 đồng chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó.
Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Theo các chuyên gia, chênh lệch giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam và chính sách “diều hâu” duy trì lãi suất cao của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá USD/VND neo cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND chủ yếu “đi ngang” nhưng sau khi FED nâng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp tháng 7 thì tỷ giá USD/VND đã bật tăng mạnh.
Đến ngày 26/9, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được NHNN công bố ở mức 24.076 đồng/USD, quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử. Chỉ trong gần 3 tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,15%. Tính đến nay, tỷ giá đã tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, sau quyết định mới nhất của Fed, tỷ giá USD/VND đã bắt đầu hạ nhiệt và quay về ngưỡng ổn định.
Theo chuyên gia, việc Fed cắt giảm lãi suất giúp giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ từng bước tăng trưởng trở lại.
Khi thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới này phát triển, dòng hàng hóa của nhiều nước như Việt Nam vào thị trường này cũng lớn hơn, giúp khơi thông xuất khẩu. Song song với đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng không còn.
Đối với Việt Nam, điều này giúp NHNN duy trì mức lãi suất thấp, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá cũng như giảm chi phí huy động vốn và chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm.
Chưa kể, chính sách tiền tệ năm 2024 của Fed cũng có thể giúp dòng tiền đầu tư quay trở lại các thị trường mới nổi, đang phát triển dưới cả dạng trực tiếp và gián tiếp.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, các chuyên gia của VIS Ratings cho rằng, việc các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed, phát đi tín hiệu sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ và nới lỏng lãi suất sẽ góp phần ổn định môi trường lãi suất ở Việt Nam.
Áp lực tỷ giá dự báo cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn khi dòng vốn FDI và kiều hối đổ về mạnh mẽ.
Trên thị trường thế giới, thời điểm 9h30 sáng 18/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD Index (DXY) - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - ở mức 102,4 điểm, giảm 0,12% so với phiên trước đó.
Theo chuyên gia, chỉ số DXY ở mức 101,50 là mốc hỗ trợ quan trọng. Nếu có thể duy trì tốt trên mốc hỗ trợ này thì khả năng tăng trở lại mức 104 là có thể xảy ra.
Ngược lại, nếu chỉ số này giảm xuống dưới mốc 101,50 thì sẽ trượt xuống vùng 100,50-100 trong những tuần tới.
Nhìn chung, mức 100-108 là phạm vi giao dịch rộng kể từ đầu năm nay. Vì vậy, ngay cả khi chỉ số DXY quay trở lại mức 104, vẫn có thể giảm trở lại mốc 100 trong trung hạn.