Tác động từ thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng nhằm nghiên cứu tác động của các thành phần của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Với việc ước lượng các mô hình với dữ liệu 32 ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2012-2022 bằng phương pháp SGMM, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về các biến tác động đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại, tác giả đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Đặt vấn đề
Hiệu quả hoạt động (HQHĐ) luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM). Quyết định số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi (TNNL) lên mức 16-17%. Điều này cho thấy các NHTM đang dần chú trọng hơn vào các hoạt động tạo ra TNNL.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu nhập chính của các ngân hàng vẫn là thu nhập từ lãi với tỷ trọng qua các năm đều cao. Cụ thể, theo Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước quý I/2023 cho thấy, thu nhập từ hoạt động tín dụng của các NHTM chiếm 79,6% tổng thu nhập của NHTM. Điều này đặt ra yêu cầu: việc gia tăng TNNL đang dần trở thành một chiến lược quan trọng trong thời gian tới.
Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về tác động của TNNL đến HQHĐ kinh doanh của NHTM. Theo Stiroh (2004), DeYoung và Rice (2004), việc kết hợp các dịch vụ ngân hàng, gia tăng tỷ lệ TNNL sẽ tạo ra thu nhập ổn định, tối ưu hóa chi phí quản lý và từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh cho các NHTM. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các nghiên cứu về tác động của TNNL đến HQHĐ kinh doanh của NHTM. Cụ thể, nghiên cứu của Lê Long Hậu, Phạm Xuân Quỳnh (2016) và Nguyễn Minh Sáng, Nguyễn Thị Thuỳ Trang (2018) chỉ ra rằng việc tăng tỷ lệ TNNL sẽ có tác động tích cực đến khả năng sinh lời cho các NHTM Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tác động của TNNL đến HQHĐ của các NHTM Việt Nam sẽ giúp tìm ra mối quan hệ giữa các thành phần của TNNL đến HQHĐ của các NHTM, từ đó giúp cho các ngân hàng đưa ra các quyết định hợp lý nhằm gia tăng TNNL để nâng cao HQHĐ của mình.
Cơ sở lý thuyết
Thu nhập ngoài lãi
Theo Stiroh (2004), TNNL bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, được chia thành bốn thành phần chính gồm: Thu nhập ủy thác, phí dịch vụ, lệ phí và các khoản thu nhập khác. Huang và Chen (2006) cho rằng, các nguồn chính của các khoản TNNL gồm thu nhập từ hoạt động phi tín dụng và thu nhập từ phí.
Theo Hoàng Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền (2010), TNNL là khoản thu nhập của NHTM được hình thành từ chênh lệch giữa các khoản thu do cung ứng các sản phẩm dịch vụ khác ngoài hoạt động tín dụng, thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư và chi phí bỏ ra để thực hiện các sản phẩm dịch vụ cũng như các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Tỷ lệ TNNL càng lớn thể hiện mức độ đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ khác ngoài tín dụng cũng như hiệu quả của các sản phẩm dịch vụ này. Tóm lại, TNNL bao gồm các khoản thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ, thu nhập từ hoạt động kinh doanh đầu tư và các khoản thu nhập khác.
Tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của NHTM
Từ trước đến nay, thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn của NHTM là từ lãi (hoạt động tín dụng). Nhưng trong điều kiện như hiện nay, thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng tăng lên, góp một phần không nhỏ và tổng thu nhập của các NHTM, từ đó, tỷ trọng TNNL ở các NHTM ngày một gia tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngân hàng, thu nhập người dân ngày càng cao đã làm gia tăng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm dịch vụ mới và nhiều tiện ích, hiện đại và nhanh chóng an toàn hơn. Hơn nữa, với xu thế toàn cầu hoá, sự hợp tác của các ngân hàng trên thế giới đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại quốc tế, từ đó mang lại cơ hội trong kinh doanh dịch vụ (Gischer và Juttner, 2003). Bối cảnh trên cho thấy, phát triển dịch vụ phi tín dụng là hướng đi hiệu quả để thay đổi hiệu quả HĐKD của ngân hàng. Do đó, TNNL có tác động tích cực trong việc ổn định và nâng cao hiệu quả HĐKD của các NHTM trong giai đoạn hiện nay.
Khi phát triển các hoạt động mang lại TNNL thì NHTM sẽ sử dụng triệt để, có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ của mỗi ngân hàng, giảm chi phí quản lý, chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận tối đa cho. Mở rộng và phát triển các hoạt động phi tín dụng để tìm kiếm TNNL còn giúp ngân hàng phân tán và giảm rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng.
Về mặt lý thuyết, đa dạng hóa thu nhập, tăng tỷ lệ TNNL có thể tạo ra nguồn thu nhập hoạt động ổn định hơn cho ngân hàng, từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh (Odesanmi và Wolfe, 2007). Theo Chiorazzo và cộng sự (2008), Baele và cộng sự (2007), tăng nguồn TNNL sẽ làm tăng HQHĐ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn thì sự tác động càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm cũng không hoàn toàn ủng hộ điều này. Nghiên cứu của Delpachitra và Lester (2013); Lepetit, Nys, Rous và Tarazi (2008); Li và Zhang (2013); Maudos (2017); và Williams (2016) đều cho rằng TNNL làm tăng rủi ro cho các NHTM. Những nghiên cứu về mối liên hệ giữa TNNL và khả năng sinh lời của các ngân hàng như nghiên cứu của Edirisuriya và cộng sự (2015) cũng cho thấy TNNL gây bất lợi cho các ngân hàng trong việc tăng lợi nhuận của mình.
Nghiên cứu của Singh và cộng sự (2016) về hệ thống ngân hàng Ấn Độ giai đoạn 2003-2013 cho thấy TNNL có mối quan hệ ngược chiều với cả doanh thu và rủi ro. Chính vì vậy, các ngân hàng Ấn Độ ít có xu hướng đa dạng hóa thu nhập theo hướng TNNL. Nghiên cứu của Limei Sun, Siqin Wu, Zili Zhu và Alec Stephenson (2017) về các ngân hàng ở Trung Quốc giai đoạn 2007-2013 cũng chỉ ra mối tương quan nghịch chiều giữa thu nhập ngoài lãi và HQHĐ của NHTM...
Như vậy, có rất nhiều kết luận khác nhau từ nghiên cứu trước đây về tác động của thu nhập ngoài lãi đến HQHĐ của NHTM.
Phương pháp nghiên cứu
Bảng 1: Các biến trong mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến Thu nhập ngoài lãi |
|||
Ký hiệu biến |
Cách tính |
Kỳ vọng tương quan |
Cơ sở khoa học |
Biến phụ thuộc |
|||
ROE |
Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu |
/ |
Gul và cộng sự (2011), Alper và Anbar (2011), Sufian (2011), Aremu và cộng sự (2013), Ongore và Kusa (2013), Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013)... |
ROA |
Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản |
/ |
Gul và cộng sự (2011), Alper và Anbar (2011), Sufian (2011), Aremu và cộng sự (2013), Ongore và Kusa (2013), Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013) ... |
HQKT (TE) |
Kết quả TE từ việc xử lý dữ liệu của 32 ngân hàng từ phần mềm DEAP 2.1 theo mô hình DEACRS |
/ |
Nguyễn Việt Hùng (2008), Raphael (2013), Nguyễn Thị Loan và Trần Thị Ngọc Hạnh (2013), Huang và Chen (2006); Chronopoulos và cộng sự (2011); Elyasiani và Wang (2012); Alrafadi và cộng sự (2014) |
HQQM (SE) |
Kết quả TE từ việc xử lý dữ liệu của 32 ngân hàng từ phần mềm DEAP 2.1 theo mô hình DEACRS |
/ |
Nguyễn Việt Hùng (2008), Raphael (2013), Nguyễn Thị Loan và Trần Thị Ngọc Hạnh (2013), Huang và Chen (2006); Chronopoulos và cộng sự (2011); Elyasiani và Wang (2012); Alrafadi và cộng sự (2014) |
Biến độc lập |
|||
ICOCOM |
TNNL từ hoạt động dịch vụ |
+ |
Chiorazzo và cộng sự (2008), Busch và Kick (2009), Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2017) |
ICOTRAD |
TNNL từ hoạt động kinh doanh đầu tư |
+ |
Chiorazzo và cộng sự (2008), Busch và Kick (2009), Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2017) |
ICOOTH |
TNNL từ hoạt động khác |
+ |
Chiorazzo và cộng sự (2008), Busch và Kick (2009), Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2017) |
Biến kiểm soát |
|||
EQTA |
Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản |
+ |
Kwan (2006); Lee và Kim (2013); Elyasiani và Wang (2012); Gaganis và cộng sự (2013); Abdul (2015), Nguyễn Minh Sáng (2017) |
BANKSIZE |
Logarit tự nhiên của tổng tài sản thể hiện quy mô |
+ |
Kwan (2006); Lee và Kim (2013); Elyasiani và Wang (2012); Gaganis và cộng sự (2013); Abdul (2015), Nguyễn Minh Sáng (2017) |
LOANTA |
Tỷ lệ dự nợ cho vay / Tổng tài sản |
+ |
Kwan (2006); Lee và Kim (2013); Elyasiani và Wang (2012); Gaganis và cộng sự (2013); Abdul (2015), Nguyễn Minh Sáng (2017) |
NPL |
Tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ |
- |
Kwan (2006); Lee và Kim (2013); Elyasiani và Wang (2012); Gaganis và cộng sự (2013); Abdul (2015), Nguyễn Minh Sáng (2017) |
DEPTA |
Tổng tiền gửi khách hàng/ Tổng tài sản |
+ |
Kwan (2006); Gaganis và cộng sự (2013); Alrafadi và cộng sự (2014), Nguyễn Minh Sáng (2017) |
GDP |
Tỷ lệ tăng trưởng |
+ |
Kwan (2006); Gaganis và cộng sự (2013); Alrafadi và cộng sự (2014), Ongore và Kusa (2013), Sanchez và cộng sự (2013) |
INF |
Tỷ lệ lạm phát hàng năm |
+ |
Kwan (2006); Gaganis và cộng sự (2013); Alrafadi và cộng sự (2014), Raphael (2013), Ongore và Kusa (2013), Sanchez và cộng sự (2013) |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Trong nghiên cứu này, tác giả ước lượng các mô hình bằng phương pháp SGMM với dữ liệu của 32 NHTM được lấy từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong giai đoạn 2012-2022. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng dữ liệu kinh tế vĩ mô bao gồm tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ tiêu lạm phát (CPI). Hai chỉ tiêu này được nhóm tác giả lấy từ cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Xuất phát từ các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về tác động của TNNL đến HQHĐ của NHTM đều sử dụng mô hình hồi quy để nghiên cứu như: Văn Thị Thái Thu (2022), Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2017) tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của TNNL đến HQHĐ của các NHTM như sau:
HQHĐi,t = α + β1ICOCOM i,t + β2ICOTRADi,t + β3ICOOTHi,t
+ γCONTROLi,t + εi,t
Trong đó:
HQHĐi,t là biến phụ thuộc với các biến đại diện là ROA, ROE, HQKT (TE) và HQQM (SE) của ngân hàng i trong năm t.
ICOCOMi,t là biến độc lập về TNNL từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng i trong năm t.
ICOTRADi,t là biến độc lập về TNNL từ hoạt động kinh doanh đầu tư của ngân hàng i trong năm t.
ICOOTH i,t là biến độc lập về TNNL từ hoạt động khác của ngân hàng i trong năm t.
CONTROLi,t là biến kiểm soát tập hợp các nhân tố nội tại của NH như cơ cấu vốn của ngân hàng, quy mô ngân hàng, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, thời gian hoạt động của ngân hàng và nhân tố kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kinh tế và lạm phát) tác động đến HQHĐ của ngân hàng i trong năm t; α là hệ số chặn; β và γ là các tham số ước lượng; ε là sai số ngẫu nhiên.
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định tính nội sinh của mô hình
Kết quả khi thực hiện kiểm định với các biến của mô hình ROA và ROE cho thấy Wu-hausman F (1,310) của biến NPL có p< 0,05, do đó mô hình ROA và ROE có xảy ra hiện tượng nội sinh.
Kết quả khi thực hiện kiểm định với các biến của mô hình SE cho thấy Wu -hausman F của biến LOANTA có p< 0,05, do đó mô hình SE có xảy ra hiện tượng nội sinh. Với mô hình của TE, kết quả kiểm định cho thấy Wu-hausman F đều có giá trị lớn hơn 0,05. Do đó, mô hình TE không có hiện tượng nội sinh.
Kết quả hồi quy bằng phương pháp FGLS với TE
Kết quả mô hình TE cho thấy các biến ICO-com, ICO-trad và ICO-oth đều có tác động cùng chiều đến ROE ở mức ý nghĩa 1%. Biến DEPTA, INF có tác động tích cực ở mức ý nghĩa 5%. Biến NPL có tác động ngược chiều đến ROA ở mức ý nghĩa 1%. Các biến LOAN, EQTA, BANKSIZE, GDP đều không có sự tác động đến TE.
Kết quả hồi quy bằng phương pháp SGMM với ROA, ROE, SE
Để khắc phục các khuyết tật của dữ liệu như hiện tượng nội sinh, tự tương quan, phương sai sai số thay đổi, nghiên cứu tiến hành ước lượng bằng phương pháp SGMM. Kết quả cho thấy, giá trị p-value của kiểm định F là 0.000<0.05, do đó nghiên cứu bác bỏ giả thuyết H0: tất cả các hệ số phương trình đều bằng 0, hay các hệ số ước lượng của biến giải thích không có nghĩa thống kê. Giá trị p-value của kiểm định Hansen >0.1 nên chấp nhận giả thuyết H0: các mô hình xác định đúng, các biến đại diện là phù hợp. Bên cạnh đó, giá trị p-value kiểm định AR(1) của mô hình <0.05 nên bác bỏ giả thuyết H0: không có sự tương quan chuỗi bậc 1, nghĩa là mô hình có sự tương quan chuỗi bậc 1. Giá trị p-value của kiểm định AR(2) của mô hình >0.1 do đó nghiên cứu chấp nhận giả thuyết H0: không có sự tương quan chuỗi bậc hai trong phần dư của mô hình hồi quy. Bên cạnh đó, số công cụ nhỏ hơn số nhóm cũng cho thấy các kiểm định trong mô hình thỏa mãn.
Kết quả cho thấy, các biến ICO-com và ICO-trad có tác động tích cực đến ROA ở mức ý nghĩa 1% trong khi biến ICO-oth tác động tích cực ở mức ý nghĩa 5%. Các biến DEPTA và BANKSIZE có tác động tích cực đến ROA ở mức ý nghĩa 1%, biến GDP có tác động tiêu cực đến ROA ở mức ý nghĩa 10%. Các biến còn lại không có tác động đến ROA.
Kết quả mô hình hồi quy thể hiện biến ICO-oth, ICO-trad, LOANTA và DEPTA đều có ý nghĩa thống kê và có tác động tích cực đến ROE. Các biến ICO-com và INF có tác động trái chiều đến ROE.
Bảng 2 cho thấy biến ICO-com có tác động ở mức ý nghĩa 10% và ICO-oth có ý nghĩa ở mức 5%. ICO-trad không có tác động đến SE. Ngoài ra, trong các biến kiểm soát chỉ có DEPTA có ý nghĩa thống kê, các biến còn lại không thấy sự tác động đến SE.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Bảng 2: Kết quả nghiên cứu về tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến TNNL tại các ngân hàng thương mại Việt Nam bằng phương pháp SGMM đối với SE |
||||
SE |
||||
Coef. |
Std. Err. |
z |
P>/z/ |
|
ICO_com |
0,1287507* |
0,076862 |
1,68 |
0,094 |
ICO_Trad |
0,006776 |
0,0640739 |
0,11 |
0,916 |
ICO_oth |
0,1174118** |
0,0544137 |
2,16 |
0,031 |
LOANTA |
-0,0538525 |
0,09829 |
-0,55 |
0,584 |
NPL |
-0,003721 |
0,0035894 |
-1,04 |
0,300 |
EQTA |
0,0019746 |
0,001746 |
1,13 |
0,258 |
DEPTA |
0,3572474*** |
0,1043467 |
3,42 |
0,001 |
BANKSIZE |
0,004368 |
0,0055633 |
0,79 |
0,432 |
GDP |
-0,1183686 |
0,2026201 |
-0,58 |
0,559 |
INF |
0,5658997 |
0,4048247 |
1,40 |
0,162 |
_cons |
0,7933302 |
0,1846763 |
4,30 |
0,000 |
AR(1) p-value |
0,001 |
|||
AR(2) p-value |
0,994 |
|||
Hansen Test |
0,782 |
|||
Number of groups |
32 |
|||
Number of instruments |
31 |
|||
Second stage F-test p-value |
0,000 |
Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm STATA17.0
Biến ICOcom: Hệ số ước lượng của ICO_com mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROA và TE, 5% đối với ROE và 10% đối với SE.
Biến ICOtrad: Hệ số ước lượng của ICO_trad mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROA, ROE và TE, không thấy sự tác động đến SE.
Biến ICOoth: Hệ số ước lượng của ICO_oth mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với TE và 5% đối với ROA, ROE và SE.
Biến LOANTA: Hệ số ước lượng của LOANTA mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROA và 5% đối với ROE.
Biến NPL: Hệ số ước lượng của NPL mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROE và TE cho thấy sự tác động tiêu cực của nợ xấu từ đến HQHĐ các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2012- 2022.
Biến EQTA: Hệ số ước lượng của EQTA mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROE và 5% đối với ROA.
Biến DEPTA: Hệ số ước lượng của DEPTA mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với ROA, ROE , SE và 5% đối với TE.
Biến BANKSIZE: Hệ số ước lượng của BANKSIZE mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5% đối với ROA cho thấy sự tác động tích cực của quy mô ngân hàng đến lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2012- 2022.
Biến GDP: Hệ số ước lượng của GDP mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê đối với ROA và SE cho thấy sự tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đến lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản và hiệu quả quy mô các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2012- 2022.
Biến INF: Hệ số ước lượng của INF mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với SE và 5% đối với TE.
Hàm ý chính sách
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách liên quan đến TNNL đến HQHĐ của các NHTM Việt Nam, cụ thể:
Một là, gia tăng tỷ lệ tiền gửi của khách hàng. Kết quả của mô hình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tiền gửi trên tổng tài sản có ảnh hưởng tích cực đến TNNL và HQHĐ của các NHTM tại Việt Nam, do đó các NHTM cần chú trọng nâng cao tỷ lệ này. Với xu hướng phát triển công nghệ ngân hàng hiện nay, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: tiền điện, nước, tiền hàng hoá, học phí… từ đó đem lại nguồn TNNL.
Hai là, giảm và hạn chế nợ xấu phát sinh tại các NHTM. Cần xây dựng mô hình tổ chức và quản trị điều hành để triển khai và xử lý nợ xấu. Đồng thời, các NHTM cần nghiêm túc thực hiện việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo nguyên tắc đúng và đủ để xử lý các tổn thất có thể xảy ra do khách hàng không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.
Ba là, các NHTM cần nâng cao tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu. Đối với các NHTM có lợi nhuận cao có thể thực hiện tăng vốn bằng chính sách phân phối lợi nhuận phù hợp. Bên cạnh đó, các NHTM còn có thể thực hiện tăng vốn từ bên ngoài thông qua việc phát hành bổ sung cổ phiếu, phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Bốn là, mở rộng quy mô hoạt động của NHTM. Việc mở rộng các điểm giao dịch, hệ thống ATM, POS, dịch vụ 24/24 cùng với việc xây dựng thương hiệu uy tín giúp NHTM gia tăng khả năng cạnh tranh.
Năm là, thực hiện đa dạng hoá thu nhập. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa dạng hoá thu nhập có tác động tích cực đến TNNL của các NHTM.
Sáu là, tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, đa dạng hoá các tiện ích sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung phát triển các dịch vụ mới để thu hút khách hàng của ngân hàng. Xây dựng hệ thống phát triển sản phẩm mới, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại để gia tăng TNNL từ hoạt động dịch vụ của NHTM.
Bảy là, xây dựng và phát triển công nghệ hiện đại. Việc phát triển công nghệ sẽ giúp NHTM dễ dàng trong việc phát triển sản phẩm mới cũng như nâng cấp các sản phẩm hiện có. Đầu tư công nghệ hiện đại sẽ giúp các NHTM đưa sản phẩm đến khách hàng nhanh chóng hơn và cắt giảm chi phí hoạt động, gia tăng lợi nhuận.
Tám là, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhân viên. Các NHTM cần thường xuyên tổ chức các khoá học mới, đặc biệt là các khoá học về chuyển đổi số để nhân viên được nắm bắt kịp thời sự thay đổi theo xu hướng mới, làm chủ công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
- Abdul, L. A. (2015), "Income diversification and bank efficiency in an emerging market", Managerial Finance, 41 (12), 1318 – 1335;
- Alrafadi, K.M.S., Kamaruddin, B.H. và Yusuf, M.M. (2014), "Efficiency and Determinants in Libyan Banking", International Journal of Business and Social Science 5 (5), 156–168;
- Baele, Jonghe and Vennet (2007), Does the stock market value bank diversification? Journal of Banking and Finance, 31, 1999-2023;
- Delpachitra, S., và Lester, L. (2013), Non-interest income: Are Australian banks moving away from their traditional businesses? Economics Papers, 32, 190-199;
- DeYoung, R., và Rice, T. (2004), "Noninterest income and financial performance at US commercial banks", Financial Review, vol. 39, no.1, pp. 101-127;
- Hoàng Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền (2010), "Trao đổi về phương pháp tính tỷ lệ thu nhập ngoài tín dụng của ngân hàng thương mại". Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, 48,36-39;
- Lê Long Hậu, Phạm Xuân Quỳnh (2017), 'Ảnh hưởng của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2006-2016', Tạp chí Ngân hàng, vol. 9, pp. 13-17.