UKVFTA: Mở cánh cửa cho hàng Việt vào thị trường Anh

Theo nhandan.vn

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm đầu tiên thực thi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), quan hệ thương mại giữa hai quốc gia vẫn đạt mức tăng trưởng tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng tích cực

Năm 2021, dù gặp vô vàn khó khăn do đợt giãn cách kéo dài, doanh nghiệp có giai đoạn phải dừng sản xuất song xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng rất tốt. Riêng xuất khẩu sang thị trường Anh đạt mức tăng trưởng trên 20%. Đồ gỗ nội thất Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, lại được cộng hưởng nhờ giảm thuế nhập khẩu nên càng tăng sự hiện diện tại thị trường Anh,

Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này. “Đồ gỗ Việt Nam xuất đi Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt và chất lượng sản phẩm cao”, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khẳng định.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh thông tin thêm, điểm cộng cho đồ gỗ là một số doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với nhà sản xuất Việt Nam. Điều này giúp việc tận dụng Hiệp định UKVFTA càng thuận lợi.

Đồ gỗ, cùng với nhiều sản phẩm, hàng hóa khác đã tận dụng tương đối tốt UKVFTA để thâm nhập vào thị trường Anh. Theo Bộ Công thương, Hiệp định thương mại UKVFTA có hiệu lực thực thi từ 1/1/2021, được mong đợi sẽ là một đòn bẩy mạnh mẽ cho việc thúc đẩy trao đổi thương mại–đầu tư song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của Covid-19 đã gây ra những hệ lụy không tránh khỏi về nguồn nhân lực, những gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại khác trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam và Anh. 

Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, song trao đổi thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD, giúp kim ngạch thương mại song phương quay lại mức năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng hơn 16%, còn Anh xuất sang Việt Nam tăng 24%. 

Bên cạnh đó, hiệp định UKVTA cũng đã mở ra “cánh cửa” cho các nhà đầu tư đến từ Anh quốc. Trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.   

Với những kết quả này, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Hiệp định UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên theo hướng ngày càng cân bằng hơn”. 

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, Hiệp định UKVFTA là một trong những tác nhân giúp đỡ nền kinh tế của cả hai nước khi đối mặt với những thử thách do đại dịch Covid-19 mang lại. Đây là năm đầu tiên hai nước giảm thuế cho nhau, tác động chưa phải là lớn nhất nhưng đây là những con số tích cực. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, mặc dù so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu sang Anh vẫn còn khiêm tốn nhưng nếu như không có hiệp định UKVFTA, có lẽ kết quả này cũng không đạt được.  

Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, dệt may, điện thoại các loại và linh kiện… đều gia tăng sự hiện diện tại thị trường Anh. Đặc biệt, với nông sản, năm 2021, những tấn nhãn Sơn La đầu tiên đã lên đường sang thị trường Anh, dần khẳng định chất lượng nông sản Việt ở một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới.

Giải pháp nào để khai thác hết thị trường?

Trên thực tế, Việt Nam và Anh quốc là hai thị trường có tính bổ sung cho nhau, gần như không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp, đối đầu. Việt Nam có nhiều mặt hàng thế mạnh để xuất khẩu sang Anh như nguyên liệu dệt, may, da, giày, dược phẩm. Ở chiều ngược lại, Anh cũng có thế mạnh trong các lĩnh vực như dược phẩm, nguyên vật liệu, linh kiện máy tính… 

Về đầu tư, nhờ sự ưu đãi của UKVFTA, cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau đối với doanh nghiệp Anh là rất lớn. Ví dụ như giáo dục, năng lượng tái tạo.

Ông Christopher - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham) Jeffery cho biết, các doanh nghiệp của Anh đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. “Chỉ cần nhìn sự tăng trưởng trong đầu tư của Vương quốc Anh, chúng ta sẽ thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp chúng tôi trong thời gian qua, ngay cả trong thời điểm đại dịch”, ông Jeffery chỉ ra. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, do nhiều tác động, chủ yếu là do ảnh hưởng từ những làn sóng dịch Covid-19 ở cả hai quốc gia, nhiều ngành hàng vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải chuyển đổi để có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía bạn.     

Bà Nguyễn Thị Thu cho rằng để tận dụng tốt hơn UKVFTA, việc đầu tiên doanh nghiệp mong chờ các cơ quan, bộ ngành là thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Không phải chỉ câu chuyện hạn ngạch là bao nhiêu, ngoài hạn ngạch là thế nào mà là cơ chế để được cấp hạn ngạch như thế nào. 

Đại diện từ VCCI nhấn mạnh, không phải cứ có hiệp định là tự nhiên sẽ có thị trường hay khách hàng mà còn thông qua nỗ lực lâu dài tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác, hiểu các quy định để tuân thủ… Cùng với đó, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.