UNDP khuyến nghị Bộ Y tế Việt Nam nên xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa

PV.

(Tài chính) Đây là một trong những thông điệp chính được đưa ra trong thông cáo của Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa công bố chiều ngày 27/9/2013 tại Hà Nội.

Hiện tại, giá của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là một vấn đề gây tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Nguồn: internet
Hiện tại, giá của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là một vấn đề gây tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Nguồn: internet

Theo UDDP, 3 tổ chức quốc tế, gồm: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ  Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tổ chức nuôi dưỡng và phát triển (Alive & Thrive) bày tỏ quan ngại đến việc ghi nhãn và tiếp thị các sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang được bán ở Việt Nam. 

Hiện nay, giá của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ được bán với giá quá cao, đe dọa đến sức khỏe của trẻ em Việt Nam.

“Việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ  thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi  Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013”- các tổ chức quốc tế đồng quan ngại.

Hơn nữa, sử dụng thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” để gọi sữa công thức cũng đang gây hiểu lầm cho khách hàng và bỏ qua những khuyến cáo rõ ràng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đưa ra dựa trên các bằng chứng toàn cầu.

Ở Việt Nam việc gọi tên không đúng các sản phẩm sữa công thức là “thực phẩm bổ sung” đã gây ra sự hiểu lầm lớn. 

Cần phân biệt sự khác nhau giữa 2 khái niệm “ăn bổ sung” và “thức ăn bổ sung”.  “ăn bổ sung” là giai đoạn khi mà một mình sữa mẹ không còn đủ đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ và trẻ cần được bổ sung các thức ăn đặc và lỏng khác cùng với sữa mẹ. 

Hiểu một cách đơn giản, một sản phẩm dùng để nuôi trẻ trong giai đoạn ăn bổ sung từ 6 tháng đến 24 tháng không có nghĩa sản phẩm đó là thức ăn bổ sung. Cụ thể trong trường hợp này là sữa công thức (follow up).

“Để đảm bảo an toàn cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ em Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Tài chính nên xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa. Điều này không chỉ đảm bảo giá các sản phẩm được quản lý chặt chẽ mà còn tuân thủ các quy định về quảng cáo trong Luật Quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ”-WHO, UNICEF và Alive & Thrive khuyến nghị mạnh mẽ.