Áp lực cạnh tranh hàng tiêu dùng nhanh

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Sức tăng trưởng chậm, không như kỳ vọng ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam đang đặt ra áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp liên quan ngành hàng này để giữ thị phần.

 Người tiêu dùng Việt quan tâm những nhu cầu mới nổi trong hàng tiêu dùng nhanh. Nguồn: Internet
Người tiêu dùng Việt quan tâm những nhu cầu mới nổi trong hàng tiêu dùng nhanh. Nguồn: Internet
Xu hướng bán lẻ đa kênh và nắm bắt các yếu tố chọn mua buộc các nhà sản xuất FMCG phải có nhiều thay đổi, chú trọng cho ra các sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp FMCG sẽ phải tiếp tục lưu tâm đến số liệu khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam mới đưa ra cho thấy thị trường FMCG đang tăng chậm hơn ở cả thành thị (chủ yếu ở bốn thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) lẫn nông thôn.
Ngay việc duy trì được mức tăng trưởng 5% của ngành hàng FMCG cho cả năm 2018 cũng là cả thách thức lớn khi người Việt đang giảm bớt chi tiêu mua FMCG và "kén chọn" những nhu cầu mới nổi trong loại hàng hóa này.

Cơ hội còn bỏ ngỏ

Số liệu của Kantar Worldpanel cho biết năm ngoái có tổng cộng 5.796 sản phẩm mới thuộc ngành hàng này. Bình quân mỗi ngày có 16 sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, trong khi con số này 3 năm trước (2014) là 12 và 5 năm trước (2012) là 10.

Hồi tháng 6 vừa qua, công ty nghiên cứu thị trường Nielsel Việt Nam cũng cho rằng những chỉ số lạc quan tăng trưởng kinh tế trong quý I/2018 vẫn không thúc đẩy mạnh doanh số ngành hàng FMCG. Chính sự mâu thuẫn đó đã phản ánh nhiều góc nhìn khác và những cơ hội còn bỏ ngỏ mà các nhà sản xuất nên nắm bắt ngay bây giờ.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, tâm lý tích cực của người tiêu dùng (NTD) tại Việt Nam lại không dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu ngành hàng FMCG, với mức tăng trưởng trong quý I/2018 chỉ đạt 1,8%. Tốc độ tăng trưởng này chậm hơn dự kiến và phản ánh sự biến động của ngành FMCG ở Việt Nam, có thể do thay đổi hành vi tiêu dùng.

Trong khi đó, kết quả khảo sát NTD năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm an toàn sẽ vẫn là xu hướng "hot" trong bức tranh tiêu dùng thực phẩm, đồ uống và nông sản của năm nay.

Kết quả khảo sát chỉ rõ bốn nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm mà NTD hiện nay đang lo ngại hơn cả đối với ngành hàng FMCG: sử dụng chất cấm, nguyên liệu, quy trình sản xuất không hợp vệ sinh và dư lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm.

Các nguy cơ này chiếm tỷ lệ đến hơn 62% về những lo ngại của NTD khi chọn mua sản phẩm thực phẩm, nông sản tươi, bánh kẹo, đồ uống. Đây là tỷ lệ vượt xa những lo ngại còn lại như hàng giả hay tự ý thay đổi hạn sử dụng…

Xu hướng NTD rất e dè trong lựa chọn sản phẩm có xuất xứ từ những quốc gia có nhiều scandal tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm (tỷ lệ chọn mua hàng Trung Quốc chỉ chiếm 0,6%, trong khi NTD chọn mua sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản… chiếm tỷ lệ tới 10%).

Trong top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của NTD Việt do Nielsen thực hiện, hai yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khỏe hay chọn mua sản phẩm hữu cơ hoặc tự nhiên được NTD ưu tiên lựa chọn cao nhất (77%), rồi mới đến các yếu tố khác.

Yếu tố chọn mua

Thực tế thị trường FMCG hiện nay cho thấy, khi thu nhập tăng lên, NTD sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại và đặc biệt quan tâm các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khỏe.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu xuất khẩu nông thủy sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn của các doanh nghiệp nội ngành hàng FMCG, đặc biệt là sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế, vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Giới chuyên gia khuyến nghị đây là một trong những điểm yếu cần được doanh nghiệp FMCG trong nước quan tâm cải thiện, khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay.

Ngoài ra, như chia sẻ của ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại dương về Số hóa bán lẻ, cựu Giám đốc kinh doanh của Unilever Việt Nam, khách hàng đang đi theo hướng đa kênh nên nếu muốn có mức tăng trưởng cao thì các nhà bán lẻ hiện đại có liên quan đến ngành hàng FMCG cũng phải đáp ứng xu hướng này. Điển hình như Saigon Co.op, Vinmart, Bách Hóa Xanh (Thế giới Di động)… đều đang là đa kênh, bởi kênh bán hàng mới có khả năng mang lại sự tăng trưởng cho họ.

Trong tình thế áp lực cạnh tranh trong ngành hàng FMCG ngày càng gay gắt, giới chuyên gia cho rằng bên cạnh chính sách bán hàng, các doanh nghiệp FMCG trong nước nên đầu tư phần mềm quản lý kho với tính năng và thao tác khá đơn giản cho những đại lý thân thiết, để gia tăng lợi ích của thương hiệu đối với người bán.

Việc quảng bá sản phẩm trực tiếp tới NTD thông qua người bán, hình thức trưng bày tại điểm bán vẫn là chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp FMCG. Tuy nhiên, vì diện tích cửa hàng hạn chế, mặt tiền cửa hàng có giới hạn, lại là nơi "chung sống" của quá nhiều nhãn hiệu sản phẩm nên doanh nghiệp cần phải đầu tư trưng bày sản phẩm mới, nổi bật.

Có thể thấy, muốn trụ vững, các doanh nghiệp FMCG trong nước cần đổi mới với các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được những mong đợi của NTD. Những doanh nghiệp chiến thắng sẽ là những doanh nghiệp luôn có sự đầu tư để hiểu những hành vi luôn thay đổi của NTD và đảm bảo việc thực thi các chiến lược đã đề ra một cách hoàn thiện nhất.