Ngành hàng tiêu dùng nhanh: Mảnh đất màu mỡ cho sản phẩm Việt
Các báo cáo nghiên cứu thị trường được công bố gần đây đều cho thấy, doanh nghiệp và các sản phẩm nội đang chiếm lĩnh tốt thị trường của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Doanh nghiệp nội chiếm ưu thế
Báo cáo “Asia Brand Power” (Thương hiệu châu Á) vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố vào giữa tháng 1/2018 cho thấy, tại Việt Nam, dù ở nông thôn hay thành thị, thị phần của các thương hiệu nội địa đều vượt trội so với các thương hiệu quốc tế. Cụ thể, ở thị trường nông thôn, các thương hiệu nội địa đang nắm giữ đến 78% thị phần, gấp hơn 3,5 lần so với thị phần của thương hiệu quốc tế.
Ở thị trường thành thị, tỷ lệ lần lượt là 71% và 29%. Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, lợi thế của các thương hiệu nội địa không chỉ ở việc am tường thị hiếu địa phương, mà còn được sự hỗ trợ trong việc phân phối bởi các đối tác bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại.
Trên cơ sở quan sát và phân tích 4 ngành hàng lớn là thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, Nielsen nhận xét trong năm 2016, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia tăng trưởng 2% về giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức 7% (so với 5% hai năm trước).
Xét ở từng ngành, các doanh nghiệp nội địa cũng có ưu thế về thị phần ở ngành thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 69% và 45%. Ở ngành chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, doanh nghiệp đa quốc gia có lợi thế hơn nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa lại có mức tăng tốt hơn.
Theo Nielsen Việt Nam, sự tăng trưởng của các thương hiệu Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm ngày càng được cải tiến; Giá cạnh tranh; Hệ thống phân phối rộng khắp được duy trì liên tục trong thời gian dài, có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.
Chú trọng khu vực nông thôn
Công bố của Kantar World và Nielsen một lần nữa khẳng định ưu thế của các mặt hàng tiêu dùng nhanh được sản xuất trong nước như bia, thực phẩm, sữa, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình… Đặc biệt, đây cũng là một trong những mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống phân phối của nước ta.
Theo Bộ Công Thương, nhiều năm trở lại đây, FMCG đã và đang có nhiều cơ hội phát triển khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người dân giai đoạn 2011-2016 trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng là 6%, ngành thực phẩm và đồ uống 3%. Mức tăng trưởng cao, dân số đông, nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng ngày càng cao khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng nhanh.
Để tiếp tục chiếm lĩnh tốt hơn thị phần ngành hàng này, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt cần tự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh... Đặc biệt, khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất chưa khai thác hết bởi người dân khu vực này đang ngày càng có thu nhập cao hơn, quen thuộc hơn với các cách thức mua bán hiện đại như mua bán qua mạng.
Theo Nielsen, tăng trưởng trong quý III/2017 của khu vực nông thôn đã đạt 7,6%, trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG tại khu vực thành thị chỉ đạt 4,7%. Thời gian tới, cộng đồng người tiêu dùng khu vực nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp. Nên việc hiểu rõ đối tượng này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tìm được thành công trong tương lai.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần tự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến; Chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh, chiếm lĩnh tốt thị trường ngành hàng FMCG.