Ứng dụng F-score vào dự báo khả năng phá sản của doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam

Huỳnh Phước Thiện - Ngân hàng TMCP Nam Á

Nghiên cứu này dự đoán khả năng phá sản của doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam qua ứng dụng F-score, với mẫu nghiên cứu gồm 600 doanh nghiệp phi tài chính đã và đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam (không bao gồm ba loại hình: công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, ngân hàng) giai đoạn từ 2012 – 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kiểm định kết quả hồi quy logistic theo F-score, tỷ lệ trung bình dự đoán đúng là 84,20%. Điều này chứng tỏ F-score có thể dự báo được khả năng phá sản của doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.

Giới thiệu

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều áp lực và thách thức, các chuyên gia dự báo làn sóng phá sản của doanh nghiệp (DN) sẽ diễn ra từ từ và kéo dài, bởi lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn do nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, tính chung trong năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn DN, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh DN là vấn đề đang được quan tâm. Việc sử dụng một công cụ để đánh giá khả năng phá sản của DN cũng mang lại ý nghĩa rất lớn trong đo lường hiệu quả hoạt động của DN và đang được các nhà quản trị DN chú ý trong giai đoạn hiện nay. Thông qua nghiên cứu, tác giả mong muốn ứng dụng F-score vào dự đoán khả năng phá sản của DN phi tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất và hướng giải quyết giúp các nhà quản lý vận dụng, quản trị hoạt động DN đạt hiệu quả.

Tổng quan các nghiên cứu trước

Nhóm nghiên cứu mô hình dựa vào số liệu kế toán và thị trường

Vineet Agarwal, Richard Taffler (2007) nghiên cứu so sánh hiệu suất của các mô hình dự đoán phá sản dựa trên dữ liệu thị trường và kế toán. Mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả dựa vào mô hình điểm Z-score của Altman (1968) bằng cách sử dụng phương pháp mô hình phân biệt (Taffler, 1984) và điểm Z của công ty; mô hình ngẫu nhiên của Black và Scholes (1973), Merton (1974). Ba phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu là đường cong ROC để đánh giá khả năng dự đoán, giá trị kinh tế của việc sử dụng các mô hình khác nhau và kiểm tra nội dung thông tin.

Nhóm mô hình quyền chọn

Y. Wu, C. Gaunt, S. Gray (2010), áp dụng mô hình định giá quyền chọn Black – Scholes – Merton sau khi nhóm tác giả đã kiểm tra 5 mô hình dự đoán phá sản chính. Nhóm tác giả đã xây dựng một mô hình mới bao gồm các biến chính từ trong số năm mô hình và thêm một biến mới đại diện cho mức độ đa dạng hóa trong công ty về khả năng sinh lời, tính thanh khoản và đòn bẩy, như: thu nhập trước lãi vay và thuế trên tổng tài sản (EBITTA); thay đổi trong thu nhập (CHIN); vốn lưu động trên tổng tài sản (WCTA); đòn bẩy dựa trên thị trường, tổng nợ phải trả trên giá trị thị trường của tổng tài sản (TLMTA).

Nhóm mô hình hỗn hợp

Chaval và Jarrow (2004) bằng phương pháp điều tra tính chính xác dự báo của các mô hình tỷ lệ rủi ro phá sản trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1999 của các DN Hoa Kỳ và dữ liệu được căn cứ từ cơ sở dữ liệu trên các sàn giao dịch chứng khoán NYSE, AMEX và NASDAQ. Trabelsi và cộng sự (2015) mở rộng việc so sánh dự đoán phá sản bằng việc xác định ưu điểm của các mô hình, góp phần giải tỏa mối lo ngại giữa các biến trong mô hình như: biến kiểm toán, vốn chủ sở hữu, nhà phân phối… từ đó, kiểm tra tác động của việc lựa chọn điểm giới hạn, quy trình lấy mẫu và chu kỳ kinh doanh liên quan đến độ chính xác dự báo của các mô hình dự báo phá sản.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Bảng 1: Kết quả hồi quy logistic Y theo các thành phần của F-score

Biến độc lập

Hệ số hồi quy

Pseudo R2

F_ROA

-3.208083***

0.1638

F_ΔROA

-0.7224108***

0.0187

F_CFO

-0.9322187 ***

0.0313

F_Accrual

0.1188797*

0.0005

F_ΔMargin

-0.6510847***

0.0155

F_ΔTurnover

-0.2705482***

0.0028

F_ΔLeverage

-0.2422211***

0.0022

F_ΔLiquidity

-0.2935023***

0.0033

F_Eq_Offer

0.3647745***

0.0049

F_score

-0.2364302***

0.0338

Nguồn: Tác giả tính toán

Bảng 2: Kết quả nghiên cứu

Phân loại

Đúng

Tổng cộng

 
 

D

~D

 

+

0

0

0

-

1043

5557

6600

Tổng cộng

1043

5557

6600

Mức nhạy cảm

Pr (+| D)

0.00%

 

Mức nhạy cảm

Pr (-|~D)

100.00%

 

Phân loại đúng

84.20%

   

Nguồn: Tác giả tính toán

 

Tác giả nhận thấy, mô hình F-score đáp ứng các thuận lợi trong nghiên cứu trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, cơ sở dữ liệu chủ yếu từ báo cáo tài chính của DN nên thuận tiện cho việc thu thập, khả năng áp dụng mô hình đơn giản, nhanh và dễ thực hiện đối với các mẫu dữ liệu tại Việt Nam. Ngoài ra, mô hình này đã được nghiên cứu thực nghiệm tại Ấn Độ để cho kết quả dự báo khả năng phá sản của các DN. Việt Nam có tương đồng về mặt dữ liệu do mẫu dữ liệu chủ yếu từ báo cáo tài chính của các DN. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để tác giả lựa chọn thực hiện nghiên cứu.

Dựa vào các nghiên cứu trước có liên quan, tác giả đã đề xuất các giả thuyết và mô hình nghiên cứu ứng dụng F-score dự đoán khả năng phá sản của DN tại Việt Nam. Cụ thể, sử dụng điểm F tổng hợp của Piotroski được ước tính là tổng của các biến chỉ báo thể hiện qua mô hình hồi quy logistics như sau:

Y = a + b Fscore + e

Với biến phụ thuộc Y = ln(P/(1-P)

P là xác suất vỡ nợ, a là hệ số chặn, b là hệ số hồi quy còn e là sai số,

Trong đó, F-score được tính như sau:

F_Score = F_ROA + F_ΔROA + F_CFO + F_Accrual + F_ΔMargin + F_ΔTurnover + F_ΔLeverage + F_ΔLiquidity + F_Eq_Offer

Với F_ROA, F_ΔROA, F_CFO, F_Accrual, F_ΔTurnover, F_ΔLeverage, F_ΔLiquidity, F_Eq_Offer đại diện cho thành phần của điểm F, cụ thể:

F_ROA = 1 nếu thu nhập ròng/tổng tài sản dương, = 0 nếu ngược lại.

F_ΔROA = 1 nếu ROA của năm hiện hành lớn hơn ROA của năm trước là dương, = 0 nếu ngược lại.

F_CFO = 1 nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/tổng tài sản dương, = 0 nếu ngược lại.

F_Accrual = 1 nếu CFO > ROA, = 0 nếu ngược lại.

F_ΔMargin = 1 nếu tỷ suất lợi nhuận gộp của năm hiện hành lớn hơn tỷ suất lợi nhuận gộp của năm trước là dương, = 0 nếu ngược lại.

F_ΔTurnover = 1 nếu tỷ lệ vòng quay tài sản của năm hiện hành lớn hơn tỷ lệ vòng quay tài sản của năm trước là dương, = 0 nếu ngược lại.

F_ΔLeverage = 1 nếu tỷ lệ đòn bẩy của năm hiện hành nhỏ hơn tỷ lệ đòn bẩy của năm trước là âm, = 0 nếu ngược lại.

F_ΔLiquidity = 1 nếu tỷ lệ của năm hiện hành lớn hơn tỷ lệ hiện tại của năm trước là dương, = 0 nếu ngược lại.

F_Eq_Offer = 1 nếu số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong năm hiện hành không lớn hơn số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong năm trước, = 0 nếu ngược lại.

Nghiên cứu sử dụng tiến hành hồi quy logistic cho các giả thuyết để so sánh kết quả dự đoán rủi ro phá sản của mô hình F-score thông qua giá trị thống kê P-value và sử dụng estat classification kiểm định kết quả mô hình để đo lường tỷ lệ chính xác. Phân tích hồi quy logistic là một kỹ thuật thống kê để xem xét mối liên hệ giữa biến độc lập (biến số hoặc biến phân loại) với biến phụ thuộc là biến nhị phân. Trong mô hình hồi quy logistic, biến phụ thuộc (Y) chỉ có 2 trạng thái 1 (kiệt quệ tài chính) và 0 (không bị kiệt quệ tài chính). Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy logistic để xem xét mối quan hệ giữa biến phụ thuộc nhị phân (Y) và các biến độc lập.

Kết quả nghiên cứu

Mô hình sử dụng biến phụ thuộc Y và biến độc lập F_Score với 9 biến kiểm định của mô hình là F_ROA, F_ΔROA, F_CFO, F_Accrual, F_ΔMargin, F_ΔTurnover, F_ΔLeverage, F_ΔLiquidity, F_Eq_Offer. Tác giả thực hiện phương pháp hồi quy logistic Y theo các thành phần của F-score và Z-score để kiểm tra tác động của các biến giải thích tác động đến hệ số rủi ro phá sản của DN.

Kết quả nhận thấy, biến Y đại diện khả năng kiệt quệ tài chính của DN, tại kết quả hồi quy, hầu hết các biến của F-score càng tăng thì biến Y càng giảm, có nghĩa là chỉ số tài chính càng cao thì DN hoạt động càng hiệu quả và khả năng rủi ro phá sản là thấp và ngược lại. Như vậy, ý nghĩa thống kê đáp ứng kỳ vọng của giả thuyết nghiên cứu.

Kết quả cho thấy, dự báo về xác suất dự báo của các biến giải thích theo F-score, trong đó có 5557 (=5557+0) mẫu quan sát DN không có rủi ro bị phá sản và 1043 (=1043+0) quan sát DN có rủi ro bị phá sản. Tuy nhiên, theo dự đoán có 5557 + 1043 = 6600 mẫu quan sát DN không có rủi ro bị phá sản và 0 + 0 = 0 mẫu quan sát DN có rủi ro bị phá sản. Như vậy, trong 5557 mẫu quan sát DN không có rủi ro bị phá sản, thì có 5557 trường hợp đoán đúng, như vậy tỷ lệ dự đoán đúng là: 5557/5557 = 100%. Trong 1043 quan sát DN có rủi ro bị phá sản, dự đoán có 0 trường hợp, tỷ lệ dự đoán đúng là: 0/1043 = 0. Từ kết quả mô hình tác giả tính được tỷ lệ dự đoán đúng là: (5535+38)/6600 = 84.20%.

Như vậy, kiểm định kết quả hồi quy logistic theo F-score, tỷ lệ trung bình dự đoán đúng là 84,20%. Điều này chứng tỏ, giả thuyết F-score có thể dự báo được khả năng phá sản của DN được xác nhận. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các yếu tố như vốn luân chuyển; lợi nhuận giữ lại, thu nhập trước thuế và lãi vay; giá trị thị trường vốn chủ sở hữu; doanh thu thuần; đòn bẩy tài chính; dòng tiền; khả năng thanh khoản… đều ảnh hưởng đến khả năng phá sản của các DN Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu. Kết quả kiểm định dự báo của mô hình hồi quy cho F-score cho thấy được tỷ lệ dự đoán đúng là khá cao. Từ đó, có thể kết luận rằng, F-score có thể dự báo được khả năng phá sản của DN theo mẫu nghiên cứu.

Hàm ý chính sách

Hiện nay, các DN Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp nhận diện rủi ro phá sản thông qua các số liệu báo cáo tài chính được kiểm duyệt và công bố bởi các DN để nhận diện các rủi ro có thể gặp phải trong tương lai. Mô hình F-score đã chứng tỏ được tính ưu việt trong phân tích, đánh giá khả năng phá sản hoạt động của DN phi tài chính như: phân loại vùng rủi ro, xếp hạng tín dụng, đánh giá mức độ phá sản của doanh nghiệp và có thể áp dụng cho một hoặc nhiều DN ở quy mô phân tích lớn hơn, phân theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng như theo quy mô tổng nguồn vốn khác nhau. Các DN khi sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro phá sản bằng mô hình dự báo khả năng phá sản của F-Score theo như nghiên cứu sẽ dự đoán được khả năng phá sản một cách chính xác và sớm.

Ngoài ra, DN cần theo dõi thường xuyên mức thu nhập ròng trên tổng tài sản của DN, cần theo dõi và giám sát dòng tiền đúng kế hoạch; Các nhà quản trị cần nắm rõ tỷ suất lợi nhuận gộp để đánh giá các lợi nhuận mang về có đáp ứng mục tiêu của DN hay không, theo dõi chính xác vòng quay tài sản để đo lường giá trị doanh thu hoặc doanh số của DN, quan sát đòn bẩy tài chính tức tỷ lệ giữa tổng số tiền nợ mà DN sử dụng để tài trợ hoạt động kinh doanh, lưu ý mức độ thanh khoản, cần theo dõi số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của DN không cố định và có thể biến động theo thời gian.

Tài liệu tham khảo:

  1. Agarwal,V., & Taffler, R. (2008). Comparing the performance of market-based and accounting-based bankruptcy prediction models. Journal of Banking & Finance, 32(8), 1541–1551;
  2. Agrawal, K. (2015). Default prediction using Piotroski’s F-score. Global Business Review, 16(5_suppl), 175S–186S;
  3. Ahn, H., & Kim, K. J. (2011). Corporate credit rating using multiclass classification models with order information. International Journal of Economics and Management Engineering, 5(12), 1783-1788.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024